Từ 24-5-2020: Nhiều điểm mới trong sử dụng, quản lý mẫu sổ, giấy tờ về quốc tịch

Từ ngày 24-5-2020, Thông tư số 02/2020/TT-BTP ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch đã có hiệu lực thi hành.

So với thông tư số 08/2010/TT-BTP trước đó thì Thông tư số 02/2020/TT-BTP có những điểm mới đáng chú ý sau.

Về mẫu sổ quốc tịch, Thông tư số 02/2020/TT-BTP chỉ quy định 1 Sổ thụ lý hồ sơ các việc về quốc tịch. Sổ thụ lý sẽ ghi những thông tin cần thiết nhất (tên thủ tục, thông tin về người nộp hồ sơ, thông tin về thụ lý hồ sơ và trả kết quả) và dùng để ghi các loại việc về nhập, trở lại, thôi quốc tịch phát sinh trong năm. Thông tư 02/2020/TT-BTP cũng bổ sung Sổ cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Sổ cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam để thuận lợi sử dụng và theo dõi. Bỏ Sổ tiếp nhận việc thông báo có quốc tịch nước ngoài (do thủ tục này đã được bãi bỏ).

Trước đây, theo quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BTP thì có 5 loại mẫu sổ (Sổ tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, Sổ tiếp nhận hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Sổ tiếp nhận hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, Sổ tiếp nhận việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Sổ tiếp nhận việc thông báo có quốc tịch nước ngoài). Các mẫu sổ tiếp nhận này thể hiện toàn bộ quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ về quốc tịch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, quá trình sử dụng cho thấy, việc giải quyết quốc tịch chỉ phát sinh nhiều tại một số tỉnh và một số nước có đông người Việt Nam đang cư trú, nhiều tỉnh không phát sinh các việc về quốc tịch. Nếu vẫn để riêng các loại việc quốc tịch ra thành các sổ khác nhau sẽ gây lãng phí và không cần thiết. Việc quy định 1 Sổ thụ lý hồ sơ các việc về quốc tịch trong Thông tư số 02/2020/TT-BTP sẽ giúp khắc phục hạn chế nêu trên.

Về mẫu giấy tờ về quốc tịch, Thông tư số 08/2010/TT-BTP trước đây chỉ quy định mẫu Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người giám hộ làm Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho người được giám hộ. Khi phát sinh các yêu cầu về nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đối với trẻ em, người dân gặp khó khăn, lúng túng vì không có mẫu đơn để sử dụng.

Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu giải quyết tất cả các việc về quốc tịch, Thông tư Thông tư số 02/2020/TT-BTP đã bổ sung 2 mẫu Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Hai mẫu đơn này dùng trong trường hợp người giám hộ/người đại diện theo pháp luật làm Đơn xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam cho người được giám hộ/được đại diện.

Thông tư số 02/2020/TT-BTP cũng ban hành 1 loại mẫu mới là Danh sách người được đề nghị giải quyết các việc về quốc tịch (TP/QT-2020-DS). Theo đó, khi trình hồ sơ về quốc tịch, cơ quan giải quyết hồ sơ phải lập danh sách bảo đảm đầy đủ các thông tin theo mẫu để gửi kèm văn bản đề xuất. Các mẫu đơn, tờ khai khác cơ bản giữ nguyên, chỉ chỉnh sửa kỹ thuật cho phù hợp hơn và bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết các việc về quốc tịch và người dân khi có yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch, Thông tư đã quy định khá chi tiết, cụ thể cách in, sử dụng mẫu sổ quốc tịch, mẫu giấy tờ về quốc tịch; nguyên tắc khi sử dụng các mẫu sổ quốc tịch, giấy tờ.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong quý I-2020, Bộ đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết đối với 1.290 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam; 4 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam; trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 458 trường hợp.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-24-5-2020-nhieu-diem-moi-trong-su-dung-quan-ly-mau-so-giay-to-ve-quoc-tich-194518.html