Tu-22M3 oanh tạc Syria: Nga 'gửi lời chào 49 năm', NATO-Israel chuẩn bị 'đón nhà vua trở lại'?

Máy bay ném bom Tu-22M3 lần đầu tiên đến Syria là 'lời chào sau 49 năm' của Moscow gửi tới NATO, Israel và Iran. Người Nga đã trở lại và lợi hại hơn trước.

Tu-22M3 có bài huấn luyện ở Syria.

Tu-22M3 có bài huấn luyện ở Syria.

Tu-22M3 xuất kích ở Syria

Quân đội Nga vừa triển khai ba máy bay ném bom tầm xa tới căn cứ ở Syria, động thái được cho là nhằm củng cố vị thế quân sự của Moscow ở Địa Trung Hải.

Hôm 24/5, Bộ Quốc phòng Nga công bố video và hình ảnh triển khai ba máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire-C tới căn cứ không quân Khmeimim ở Syria. Chưa đầy hai ngày sau khi đến Syria, các máy bay ném bom mang tên lửa chống hạm Kh-22 của Nga đã xuất kích.

Đoạn video do đài truyền hình Bộ Quốc phòng Nga, TV Zvezda, công bố hôm 26/5, cho thấy Tu-22M3 của Nga xuất phát từ căn cứ không quân Syria, thực hiện các chuyến bay huấn luyện tuần tra Địa Trung Hải cùng với Su-35 của Nga

Đây là lần đầu tiên triển khai máy bay Tu-22M3 – cũng như là máy bay ném bom tầm xa đầu tiên của Nga - tới căn cứ ở Syria.

Tu-22M3 không chỉ mang tên lửa diệt hạm mà có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu tĩnh giá trị cao, như căn cứ hàng không hoặc cảng.

Một chiếc Tu-22M3 với tên lửa Kh-22 xuất phát từ Syria, có thể hoạt động khắp Đông Địa Trung Hải, qua Biển Đen, thậm chí cả Biển Đỏ, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với lực lượng hàng hải của NATO.

Mặc dù tên lửa chống hạm Kh-22 có tuổi đời khá lâu, nhưng thứ vũ khí này vẫn sẽ khiến các hệ thống phòng thủ của tàu chiến đối phương phải cảnh giác.

Phóng ở tốc độ Mach 1.5, tên lửa tăng tốc đến Mach 3 sau khi bay khoảng 20km. Khi đến gần mục tiêu, tên lửa lao xuống một góc khoảng 30 độ, đạt tốc độ cuối Mach 4,1. Tầm hoạt động tối đa của tên lửa chống hạm Kh-22 ở mức gần 500km, trong khi Kh-32 được cho là vượt quá phạm vi 800km.

Lời chào sau 49 năm

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, sau khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện làm chủ không phận ở Đông Địa Trung Hải, các máy bay ném bom tầm xa này sẽ trở về căn cứ không quân ở Nga.

Mặc dù chưa rõ kế hoạch của Moscow trong thời gian tới, nhưng giới quan sát nhận định, sự xuất hiện của Tu-22M3 sẽ mang đến những tính toán mới ở đấu trường Địa Trung Hải, cũng như tạo nên những diễn biến thú vị đến từ phản ứng của NATO.

Là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tăng cường sức mạnh quân đội Nga trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, hải quân Nga trong những năm gần đây đã nối lại các đợt luân chuyển tàu chiến ở Địa Trung Hải từ thời Liên Xô.

Nga đang muốn củng cố hơn nữa sức mạnh ở Syria cũng như toàn bộ Địa Trung Hải.

Quyết định triển khai Tu-22M3 vừa qua đã đánh dấu lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Moscow điều máy bay ném bom hạng nặng đến khu vực.

Đây được coi là lời nhắc nhở đối với NATO rằng, dù Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga vẫn có khả năng điều động lực lượng đáng kể đến Địa Trung Hải. Trong thời chiến, lực lượng này có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sườn phía Nam của NATO.

Trước đây, Tu-22M3 thường bay từ căn cứ ở Nga đến tấn công khủng bố ở Syria rồi quay trở về. Đây là lần đầu tiên Tu-22M3 đến căn cứ Khmeimim – căn cứ mới được Nga chi hàng trăm triệu USD để nâng cấp.

Đáng chú ý hơn, những chiếc Tu-22M3 đến Syria đều không mang theo vũ khí, nhưng các bài tập mới nhất cho thấy các máy bay đã có sự bắt nhịp nhanh chóng tại căn cứ.

Hơn 40 năm sau khi được đưa vào sử dụng, Tu-22M3 vẫn là một trong những máy bay tấn công trên biển mạnh nhất của Nga.

Stansfield Turner và George Thibault – hai cựu chỉ huy hải quân Mỹ - từng cảnh báo về mối đe dọa Tu-22M từ năm 1977 rằng, “phiên bản mới có thể bao phủ toàn bộ Địa Trung Hải theo ý muốn”.

Dù tàu chiến của NATO hoàn toàn có khả năng tự vệ và 3 chiếc Tu-22M3 với 9 tên lửa chống hạm không thể mang đến một mối đe dọa hiện hữu - nhưng sự xuất hiện của các máy bay ném bom mới báo hiệu ý định và khả năng của Nga trong việc củng cố sức mạnh quân sự quan trọng ở Địa Trung Hải lần đầu tiên sau 49 năm.

“Bằng cách nâng cấp thế trận quân sự trong khu vực, Nga tin rằng họ có thể thành công hơn trong việc phô trương sức mạnh và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và NATO”, báo cáo của RAND năm 2020 nhận định.

Và NATO không phải là đối tượng duy nhất Nga gửi thông điệp. “Đây là tín hiệu cho Israel và Iran rằng Nga đang trở lại và có thể tác động đến ảnh hưởng khu vực trong trường hợp Israel suy yếu”, chuyên gia hải quân Jerry Hendrix nói với Forbes.

Tu-22M3 đã sớm rời khỏi Syria và có thể sẽ không quay trở lại trong một thời gian. Nhưng cũng không loại trừ khả năng chúng sẽ trở thành một phần trong tiền đồn không quân có thể làm phức tạp kế hoạch của NATO và Israel trong khu vực.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-22m3-den-syria-nga-gui-loi-chao-sau-49-nam-nato-nen-can-than-a515795.html