Tu-160 đưa London vào tầm ngắm khi B-52 bay trên Biển Đen?

Xin giới thiệu bài của báo 'Bình luận quân sự' (Nga) về những động thái 'vờn nhau' giữa Không quân Mỹ-NATO trên Biển Đen và Bắc Đại Tây Dương ngày 14/9.

Bài đăng trên báo này ngày 15/9:

Vào ngày 14 tháng 9 năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã gặp nhau tại Sochi.

Trong khi lãnh đạo hai nước đang đàm phán, trên bầu trời Biển Đen xuất hiện 3 máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ cất cánh trước đó từ căn cứ không quân Fairford trên đất Anh.

Bay hộ tống 3 máy bay B-52H nói trên là 3 máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker, một máy bay Sentinel R.1 của Không quân Anh chịu trách nhiệm tiến hành trinh sát và chỉ thị mục tiêu.

Có mặt trên bầu trời khu vực này khi đó còn có cả 2 máy bay vận tải MC-130J Commando II của Không quân Mỹ- hai máy này có thể tiếp dầu trên không, nhưng nhiệm vụ chính của chúng là làm công tác đảm bảo và sơ tán đặc nhiệm.

Như vậy là trên thực tế, NATO đã tiến hành một chiến dịch đặc biệt thực sự trên không phận Biển Đen,- chiến dịch này trực tiếp đã tạo ra đe dọa cho người đứng đầu Nhà nước Nga và người đồng cấp của ông từ Belarus.

Mỗi chiếc B-52H được trang bị 20 quả tên lửa hành trình và cùng một số lượng lớn bom có điều khiển và có khả năng tiến hành các tấn công mục tiêu từ bên ngoài khu vực phòng không của đối thủ tiềm năng.

Về mặt lý thuyết, người Mỹ đã có thể thực hiện một bước đi điên rồ và tìm cách tiêu diệt lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus bằng một đòn tấn công quy mô lớn.

Cũng dễ hiểu đây chỉ là một kịch bản tưởng tượng, tuy nhiên chỉ riêng chuyện Mỹ- NATO cho tiến hành tập trận không quân ngay cạnh địa điểm mà Tổng thống Nga đang có mặt cũng buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Nhưng còn một điều rất đáng chú ý khác là vào cùng thời gian, khi các B-52H Mỹ đang bay trên Biển Đen, 2 máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-160 của Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga (số hiệu 99111 và 99112 cùng một chiếc khác mang số hiệu 99113 chịu trách nhiệm truyền phát thông tin) cũng đã bay qua các biển Barents và biển Na Uy,tiến sâu vào vào vùng trời trên Bắc Đại Tây Dương.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga thì thời gian bay của những máy bay này vào khoảng 10 giờ. Ở một số chặng trên đường bay, chúng được hộ tống bởi máy bay tiêm kích MiG-31 của Không quân hải quân Nga.

Thông tin này đã được xác nhận trên telegram- canal "Hunter's Notes", - một kênh chuyên theo dõi các chuyến bay của các máy bay vận tải và máy bay chiến đấu Nga.

Và như vậy, các máy bay mang tên lửa Tu-160 của Nga đã có mặt tại những vị trí có thể phóng tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 (hoặc Kh-102 phiên bản hạt nhân) vào London .

Bằng cách đó, Matxcova dã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng là trong trường hợp có mối đe dọa thực sự đến tính mạng người đứng đầu nhà nước Nga và người đồng cấp Belarus, Nga sẵn sàng cho đòn đánh khủng khiếp khiến đối phương không kịp trở tay.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tu-160-dua-london-vao-tam-ngam-khi-b-52-bay-tren-bien-den-3419063/