Từ 15/9, đổi lại tên 'trạm thu giá' thành 'trạm thu phí'

Từ tháng 9, nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực giao thông, cán bộ công chức, trái phiếu doanh nghiệp… sẽ chính thức có hiệu lực.

Ảnh minh họa.

Bỏ tên "trạm thu giá" đường bộ

Từ 15/9, Thông tư 15 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 49.

Theo quy định tại Thông tư 49 trước đây, trạm thu phí được đổi tên thành trạm thu giá. Nhưng khi Thông tư 15 có hiệu lực, trạm thu giá sẽ được trở về với tên ban đầu là trạm thu phí.

Cũng theo thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh…

Giảm số lần phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ 1/9.

Một điểm được chú ý là nghị định mới này quy định theo hướng giảm số lần phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng.

Nghị định 81 cũng quy định tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho nhà đầu tư và gửi nội dung công bố cho Sở Giao dịch Chứng khoán.

Nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành theo Mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 163.

Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài Mẫu tại Phụ lục 1, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình quản lý, giải ngân vốn từ phát hành trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 163.

Doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành đến các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và Sở Giao dịch Chứng khoán theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử.

Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo

Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 5/9, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.

Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp như: Được sự đồng ý của người đó; thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần

Nội dung này được quy định tại Nghị địnhh 88 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định có hiệu lực từ 15/9.

Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.

Theo quy định cũ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám.

Phạt đến 30 triệu nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo

Tại Nghị định 82 của Chính phủ quy định phạt tiền với các cá nhân có hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, mức phạt 20-30 triệu đồng sẽ áp dụng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm:

Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch

Giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng. Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.

Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch. Cản trở hoạt động công chứng.

Đồng thời, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm trên (trừ hành vi cản trở hoạt động công chứng).

N. NGA

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/tu-159-doi-lai-ten-tram-thu-gia-thanh-tram-thu-phi-3551020.html