Từ 15/8/2019: Người có chức vụ không được nhận quà dưới mọi hình thức

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, từ 15/8/2019, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến công việc...

Chỉ được sử dụng tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện

Cũng theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP, trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Người có chức vụ không được nhận quà (tiền, hiện vật) dưới mọi hình thức (ảnh minh họa)

Người có chức vụ không được nhận quà (tiền, hiện vật) dưới mọi hình thức (ảnh minh họa)

Mặt khác, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc xử lý quà tặng, với quà bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:

Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá; Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật; Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.

Kiên quyết chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước

Nghị định 59/2019/NĐ-CP còn quy định về việc thanh tra thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng đối với doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, đối tượng thanh tra gồm công ty đại chúng; tổ chức tín dụng; tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng.

Trong đó, mức độ của vụ việc tham nhũng được xác định như sau:

a) Vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm;

b) Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 3-7 năm;

c) Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 7-15 năm;

d) Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 5-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong QĐND và CAND thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-15-8-2019-nguoi-co-chuc-vu-khong-duoc-nhan-qua-duoi-moi-hinh-thuc/816591.antd