Từ 12/6 nhập khẩu lợn sống, chắc chắn giá thịt lợn sẽ 'hạ nhiệt'

Bắt đầu từ ngày mai 12/6, Việt Nam cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: 'Chắc chắn là khi nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam giá thịt lợn trên thị trương sẽ hạ nhiệt'.

Các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan tổ chức kiểm soát. Ảnh: Nguyễn Thanh

Các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan tổ chức kiểm soát. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhập khẩu từ 8 trang trại Thái Lan

Tại buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi về vấn đề nhập khẩu lợn sống từ nước ngoài vào Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối giờ chiều nay 11/6, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Cục Thú y đã thực hiện phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan trên cơ sở hồ sơ do Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan cung cấp kết hợp với họp đàm phán trực tuyến với Cơ quan Thú y Thái Lan.

Qua hơn 3 tháng trao đổi, đàm phán, Cục Thú y đã hoàn tất việc phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Thái Lan đã đăng ký 8 trang trại xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam (số lượng trang trại đăng ký có thể thay đổi tùy từng thời điểm nhưng bảo đảm các trang trại này đều được Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan giám sát và đăng ký với Cục Thú y Việt Nam). 8 trang trại này có quy mô tổng đàn khoảng gần 5 triệu con lợn.

“Như vậy, kể từ ngày 12/6, các doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện của Việt Nam có thể thực hiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành”, ông Đông nói.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan tổ chức kiểm soát, xác nhận và đăng ký xuất khẩu với Cục Thú y Việt Nam.

Doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải có xe vận chuyển lợn chuyên dụng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và phúc lợi động vật, đồng thời phải có cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Thứ tưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để nhanh chóng cung cấp thịt lợn ra thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ minh bạch tất cả các thủ tục, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống được đưa lợn vào giết mổ một cách nhanh nhất.

Cụ thể, lợn sống nhập khẩu về Việt Nam, sau khi kiểm dịch cho kết quả âm tích với các loại dịch bệnh ít nhất 5 ngày sẽ được đưa vào giết mổ.

“Bộ không hạn chế về số lượng lợn sống nhập khẩu, tùy thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp. Bộ chỉ kiểm soát về mặt dịch tễ để đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong nước”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.

Chắc chắn giá thịt lợn sẽ giảm

Xoáy sâu vào vấn đề giá cả, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá lợn nhập khẩu về Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chi phí vận chuyển, hao hụt, chi phí nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển đến nơi cách ly, giết mổ việc này của do doanh nghiệp tính toán.

“Khảo sát cho thấy, Thái Lan có nền chăn nuôi tiên tiến, giá thịt lợn ở Thái Lan thấp hơn giá trong nước. Lợn sống cũng chỉ được nhập khẩu từ 8 doanh nghiệp Thái Lan. Các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước chắc chắn cũng có tính toán, cân đối giá thành, chi phí. Chắc chắn là khi nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam giá thịt lợn trên thị trương sẽ hạ nhiệt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trước lo ngại nếu ồ ạt cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan với mức giá cạnh tranh sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi trong nước, gián tiếp cản trở công tác tái đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc nhập khẩu lợn sống trên tinh thần đảm bảo lợi ích của cả các nhóm đối tượng: Người chăn nuôi; người giết mổ, phân phối và người tiêu thụ.

Khi đảm bảo lợi ích của cả 3 nhốm đối tượng, giá lợn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thì báo trước 1 tháng không cho phép nhập khẩu lợn sống nữa. Đến thời điểm cơ quan chuyên môn sẽ tính toán, đảm bảo lợi ích các bên thì cho dừng nhập khẩu.

Làm rõ thêm tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT giao cho cơ quan thú y báo cáo, trên cơ sở đó Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu, đặc biệt là đối với lợn.

5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu trên 70 nghìn tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 7.700 con lợn giống (tăng hơn 300% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019).

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tu-126-nhap-khau-lon-song-chac-chan-gia-thit-lon-se-ha-nhiet-128240.html