Từ 1.9, gửi hàng trên xe khách phải cung cấp 6 thông tin

Đó là tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Đối với cân nặng hàng hóa có thể có hoặc không.

Việc gửi và nhận hàng trên các chuyến xe khách từ trước đến nay đều rất đơn giản, chủ yếu dựa vào uy tín của nhà xe và thỏa thuận miệng giữa đôi bên chứ không có bất kỳ ràng buộc về mặt thủ tục, hóa đơn, chứng từ nào. Rất ít tài xế kiểm tra kỹ hàng hóa ký gửi. Chính vì vậy, nhiều đối tượng buôn bán hàng cháy nổ đã cất giấu hàng trong hành lý.

Do đó, việc quản lý giao nhận, ký gửi hàng hóa trên các phương tiện vận tải khách còn lỏng lẻo.

Cấm cải tạo ôtô trên 10 chỗ thành 'limousine' 9 chỗ trở xuống từ 1.9 - Ảnh: P.V

Cấm cải tạo ôtô trên 10 chỗ thành 'limousine' 9 chỗ trở xuống từ 1.9 - Ảnh: P.V

Nhằm kiểm soát hoạt động này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác 5 thông tin gồm: tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Đối với cân nặng hàng hóa có thể yêu cầu hoặc không.

Cùng với đó, Nghị định 47/2022 ban hành cấm việc "độ" ôtô sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành loại dưới 10 chỗ (kể cả tài xế) để chở khách.

Đây là quy định mới, bổ sung cho khoản 3, điều 13 thuộc Nghị định 10/2020 của Chính phủ đã ban hành trước đó. Cụ thể, các chủ xe không được cải tạo từ ôtô có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ôtô dưới 10 chỗ (kể cả tài xế) để kinh doanh vận tải hành khách.

Nghị định 47/2022 cũng cấm sử dụng ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả tài xế) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Hình thức độ ôtô từ 10 chỗ trở lên thành loại ít chỗ hơn để kinh doanh vận tải thường có ở các công ty vận chuyển, đưa đón hành khách tại Việt Nam. Nhiều nhà xe sử dụng tên "limousine" để đặt cho những mẫu xe này, dù limousine vốn để chỉ các mẫu sedan kéo dài với nội thất xa hoa.

Đặc điểm của xe khách "limousine" là ghế được lược bỏ so với xe nguyên bản (thường loại 16 chỗ). Xe khách loại này chở được ít khách hơn nhưng không gian rộng, nhiều trang bị, tiện nghi hơn cho người ngồi. Những loại xe này vẫn được đăng kiểm và lưu thông trên đường.

Những ôtô đã cải tạo, được cấp phù hiệu, biển hiệu trước 1.9 vẫn tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định 47/2022.

Nghị định này có hiệu lực từ 1.9.2022.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-1-9-gui-hang-tren-xe-khach-phai-cung-cap-6-thong-tin-185355.html