Từ 1/9, chính quyền các cảng biển mở chiến dịch kiểm tra tàu biển quốc tế

Chiến dịch nhằm hướng tới các mục đích đảm bảo tàu biển chạy tuyến quốc tế có khả năng ứng phó phù hợp và kịp thời với các tình huống khẩn cấp.

Đăng kiểm viên kiểm tra kỹ thuật buồng điều khiển tàu biển trong thời kỳ lên đà sửa chữa

Đăng kiểm viên kiểm tra kỹ thuật buồng điều khiển tàu biển trong thời kỳ lên đà sửa chữa

Từ 1/9 tới đây, chính quyền các cảng biển tại các khu vực: Black Sea MOU, Indian Ocean MOU, Mediterranean MOU, Riyadh MOU và Vina del Mar MOU tiến hành đồng thời chiến dịch kiểm tra chung đối với toàn bộ tàu biển trên thế giới. Đội tàu biển Việt Nam với nhiều phương tiện cao tuổi dễ gặp rủi ro nếu không được chuẩn bị tốt để ứng phó với đợt tổng kiểm tra này khi đi đến các cảng biển quốc tế.

MOU sẽ tập trung kiểm tra gì?

Cục Đăng kiểm VN cho biết, ngày 26/7/2019, Tổ chức các Chính quyền Cảng tham gia bản ghi nhớ Paris về kiểm soát của chính quyền cảng (Paris MOU) và Tổ chức các Chính quyền Cảng tham gia bản ghi nhớ Tokyo về kiểm soát của chính quyền cảng (Tokyo MOU) phát hành thông cáo về việc các chính quyền cảng thành viên hai tổ chức này sẽ thực hiện “Chiến dịch kiểm tra tập trung chung về các hệ thống và quy trình khẩn cấp của tàu biển” trong thời gian 3 tháng, từ 1/9 - 30/11/2019.

Chiến dịch nhằm hướng tới các mục đích đảm bảo tàu biển chạy tuyến quốc tế của các nước có khả năng ứng phó phù hợp và kịp thời với các tình huống khẩn cấp, nhằm bảo vệ tính mạng con người, bảo vệ môi trường biển và giảm thiểu thiệt hại cho tàu. Các biện pháp cần thiết được thực hiện bởi các bên liên quan có trách nhiệm, chẳng hạn như các công ty vận tải biển và quản lý tàu liên quan trực tiếp đến an toàn của tàu và bằng cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các hệ thống khẩn trang bị cho tàu. Các hệ thống khẩn cấp được trang bị trên tàu có thể được vận hành đúng cách và được quản lý hiệu quả trong mọi tình huống khẩn cấp. Thuyền trưởng và thuyền viên của tàu biển hiểu được vai trò và nhiệm vụ được giao trong trường hợp khẩn cấp; tăng cường sự quen thuộc với các tình huống để họ có thể hành động ngay lập tức khi có tình huống xảy ra.

Chiến dịch cũng nhằm xác định sự tuân thủ của tất cả các tàu, bất kể kiểu loại nào. Và trong thời gian 3 tháng diễn ra chiến dịch, một tàu sẽ chỉ được kiểm tra một lần về các nội dung thuộc chiến dịch.

Các nhân viên kiểm tra của Chính quyền cảng (PSCO) sẽ sử dụng bảng câu hỏi (questionnaire) bao gồm 11 mục để đánh giá các thiết bị khẩn cấp được trang bị cho tàu tuân thủ các công ước liên quan, được bảo dưỡng và ở tình trạng hoạt động thỏa mãn; thuyền trưởng và các sỹ quan tàu có năng lực, quen thuộc với các hoạt động của các hệ thống và quy trình khẩn cấp trên tàu.

“Tàu biển thường hoạt động độc lập, thực hiện vào các chuyến đi biển dài ngày, có thể không được tiếp cận trực tiếp sự hỗ trợ từ bờ trong các trường hợp khẩn cấp trên tàu. Do đó, sự sẵn sàng của các trang thiết bị khẩn cấp, như nguồn năng lượng sự cố, bơm chữa cháy dự phòng… và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp là những yếu tố quan trọng trong việc cứu sống con người, bảo vệ môi trường biển và giảm thiểu thiệt hại cho tàu”, thông báo của Paris MOU và Tokyo MOU nêu.

Khiếm khuyết của hệ thống khẩn cấp là phổ biến

Cục Đăng kiểm VN cho biết, để giúp các công ty vận tải biển và tàu biển Việt Nam có sự chuẩn bị sẵn sàng cho Chiến dịch kiểm tra tập trung năm 2019 của các Chính quyền cảng trên thế giới, Cục Đăng kiểm VN đã xuất bản 2 thông báo kỹ thuật tàu biển (số 014TI/19TB ngày 25/6/2019 và số 018TI/19TB ngày 26/7/2019) hướng dẫn về các nội dung liên quan. Nội dung thông báo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Cục Đăng kiểm VN (http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?Category=6).

Ông Hideo Kubota, Thư ký Tokyo MOU và ông Luc Smulder, Thư ký Paris MOU đều cho rằng, trong nhiều năm, số lượng khiếm khuyết của các hệ thống khẩn cấp vẫn nằm trong năm loại khiếm khuyết phổ biến nhất của tàu biển.

Vì vậy, chiến dịch kiểm tra tập trung chung này của Tokyo MOU và Paris MOU về các hệ thống và quy trình khẩn cấp sẽ không chỉ nâng cao nhận thức về an toàn của thuyền viên, mà còn tăng cường sự quen thuộc với các hệ thống và quy trình an toàn khẩn cấp, góp phần vào việc ngăn ngừa tai nạn hàng hải trên các đại dương.

Trong quá trình kiểm tra tàu thuộc khuôn khổ của chiến dịch, nếu phát hiện khiếm khuyết, các nhân viên kiểm tra có thể có các hành động khác nhau, tương ứng với mức độ nghiêm trọng của khiếm khuyết. Cụ thể, từ việc ghi lại và hướng dẫn thuyền trưởng khắc phục khiếm khuyết trong một thời gian nhất định cho đến quyết định lưu giữ tàu cho đến khi những khiếm khuyết nghiêm trọng được giải quyết thỏa đáng. Các trường hợp tàu bị lưu giữ sẽ được công bố trong danh sách lưu giữ hàng tháng trên website của Tokyo MOU và Paris MOU.

Dự kiến, các Chính quyền cảng thành viên Tokyo MOU và Paris MOU sẽ thực hiện khoảng 10.000 cuộc kiểm tra tàu trong thời gian 3 tháng của chiến dịch. Kết quả của chiến dịch sẽ được phân tích và báo cáo cho cơ quan điều hành của Tokyo MOU và Paris MOU để đệ trình lên Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Ngoài Paris MOU và Tokyo MOU, 5 tổ chức của các chính quyền cảng tại các khu vực khác trên thế giới là: Black Sea MOU, Indian Ocean MOU, Mediterranean MOU, Riyadh MOU và Vina del Mar MOU sẽ tiến hành đồng thời Chiến dịch kiểm tra tập trung về các hệ thống và quy trình khẩn cấp của tàu từ ngày 1/9 - 30/11/2019.

Vũ Hải - Hồng Xiêm

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-19-kiem-tra-toan-bo-tau-bien-viet-nam-d429795.html