Từ 1/8, Trung Quốc cấm phát sóng phim cổ trang, thần tượng vì lý do này

Mới đây, Tổng cục Báo chí và Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ban hành thông báo cấm chiếu phim truyền hình cổ trang, thần tượng dịp quốc khánh.

Theo như thông báo được đưa ra ngày 1/8, để chào mừng ngày quốc khánh 1/10, các đài truyền hình trung ương và địa phương ởTrung Quốc chỉ được chiếu các bộ phim về lịch sử và tinh thần dân tộc. Các bộ phim có nội dung giải trí đơn thuần như các phim cổ trang, cung đấu, thần tượng bị cấm chiếu kể từ ngày 1/8.

Ngày 1/10/2019 là ngày kỷ niệm tròn 70 năm quốc khách Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là ngày lễ trọng đại của toàn người dân Trung quốc nên Cục điện ảnh nước này đã ban hành thông tư rõ ràng, yêu cầu nhà đạt đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu, phát huy sức ảnh hưởng của truyền thông qua việc chọn phim phát sóng.

Trung Quốc cấm phát sóng phim cổ trang, thần tượng dịp quốc khánh.

Trung Quốc cấm phát sóng phim cổ trang, thần tượng dịp quốc khánh.

Ngoài ra ban quản lý cũng cung cấp danh sách 86 bộ phim phù hợp trình chiếu dịp quốc khánh để các nhà đài tham khảo. Một số tác phẩm trong danh sách này phải kể đến Trung Quốc dễ thương, Trùng Khánh đàm phán, Lựa chọn của nhân dân, Thủ tướng nhân dân Chu Ân Lai, Ngoại giao phong vân...

Ngay sau khi thông tư được đưa ra, xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Với những người hâm mộ phim cổ trang và thần tượng, thì việc ngừng chiếu phim trong 2 tháng và chưa biết khi nào có dấu hiệu phát sóng trở lại như tin "sét đánh ngang tai". Ngay từ đầu mùa hè, hàng loạt những bộ phim cổ trang, thần tượng với kịch bản hấp dẫn cùng dàn diễn viên đẹp đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người mê phim. Những bộ phim được khán giả mong chờ như Cá Mực Hầm Mật, Trần Tình Lệnh, Trường An 12 Canh Giờ, Cửu Châu Phiêu Miểu Lục, Thần Tịch Duyên, Thời Gian Đều Biết.

Cá Mực Hầm Mật - bộ phim về tình yêu lãng mạn ngọt ngào đang gây sốt toàn châu Á, là chủ đề thảo luận chính trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Bên cạnh những bộ phim mới sản xuất, các nhà đài Trung Quốc hàng năm vẫn thường chiếu lại những bộ phim cổ trang kinh điển do vẫn thu hút được lượng lớn khán giả. Diên Hy công lược, Như Ý truyện, Chân Hoàn truyện... là một số bộ phim dù được chiếu đi chiếu lại nhiều lần vẫn không giảm sức hút.

Bộ phim Diên Hi công lược về đề tài cung đấu từng gây sốt ở Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á.

Nhiều ý kiến phản đối lệnh cấm của nhà đài Trung Quốc vì cho rằng lệnh cấm này sẽ hạn chế khả năng tưởng tượng, sức sáng tạo của người làm phim, mặt khác, sự tự do thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng bị ảnh hưởng nhiều.

"Ngày quốc khánh cần thể hiện thành tựu trong mọi lĩnh vực, nhưng chỉ cho phép trưng một loài hoa. Lệnh cấm này truyền tải thông tin gì với thế giới?", một ý kiến đáng chú ý đến từ tài khoản Dịch Thắng viết trên Weibo.

Bên cạnh làn sóng phản đối, cũng có nhiều người đồng tình. Một số bình luận ủng hộ nhận được nhiều lượt thích như: "Mỗi thời đại đều cần anh hùng. Mong các nhà đài phát các phim lành mạnh, tích cực, đừng chiếu các phim cổ trang vớ vẩn chẳng có ý nghĩa gì. Chúng làm hại giới trẻ".

"Làm thế là đúng. Không như vậy, thế hệ sau chỉ biết các phim cổ trang cải biên xa rời thực tế. Phim cổ trang giúp bao nhiêu diễn viên nổi tiếng nhưng chẳng có phim nào mang ý nghĩa giáo dục phù hợp thời hiện đại", một khán giả khác đồng tình.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc ban hành quy định cấm phim cổ trang, đặc biệt là phim cung đấu. Trong giờ vàng buổi tối, một năm, mỗi đài truyền hình chỉ được phép chiếu hai phim cổ trang. Quy định về hạn mức này dẫn đến một loạt phim quay trước đó phải xếp hàng chờ phát sóng. Ngoài ra, báo chí Trung Quốc cũng nhiều lần phản ánh về hiệu ứng tiêu cực của loạt phim cung đấu. Nhiều cây viết cho rằng phim làm phong phú đời sống giải trí song không phù hợp cuộc sống hiện đại, cổ xúy lối sống xa hoa, hưởng lạc. Phim cung đấu còn khiến giới trẻ sùng bái lối sống vương giả, đi ngược mỹ đức cần cù, tiết kiệm. Việc ngôn từ cổ như "trẫm", "thần"... gây ảnh hưởng văn phong hiện đại.

Xem thêm:

Hải Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tu-18-trung-quoc-cam-phat-song-phim-co-trang-than-tuong-vi-ly-do-nay-83942.html