Từ 1/7, người thuê nhà được đăng ký thường trú?

Theo Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn....

Mới đây, bộ Công an vừa thông tin những nội dung cơ bản và một số điểm mới của Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7.

Khác với Luật hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là, quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện. Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 quy định như sau:

Theo bộ Công an, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) cho thấy, việc thực hiện quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn. Hơn nữa, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú. Do vậy, Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20), tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Theo Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn....Ảnh minh họa

Theo Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn....Ảnh minh họa

Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 quy định công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó (khoản 1 Điều 20). Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đông ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/ vợ; con/ cha, mẹ về ở với cha/ mẹ, con; người cao tuổi về ở với anh/ chị/ em/ cháu ruột; người khuyết tật/ người không có khả năng lao động/ người bị tâm thần hoặc bệnh khác… về ở với ông nội/ bà nội/ ông ngoại/ bà ngoại/ anh ruột…; người chưa thành niên được cha/ mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha/ mẹ về ở với ruột thịt (cụ nội, cụ ngoại, ông nội, ông ngoại…); người chưa thành niên về ở với người giám hộ thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình.

Luật bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2/sàn/người (điểm b khoản 3 Điều 20). Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu. Đồng thời, quy định thủ tục đăng ký thường trú như sau: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú; khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Hoàng Yên

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/tu-17-nguoi-thue-nha-duoc-dang-ky-thuong-tru-a360607.html