Từ 1/7, hàng loạt chính sách mới ảnh hưởng đến công chức

Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, sẽ có nhiều thay đổi lớn liên quan đến tiền lương, việc làm của công chức trên cả nước.

Hàng loạt chính sách mới ảnh hưởng đến công chức từ 1/7.

Hàng loạt chính sách mới ảnh hưởng đến công chức từ 1/7.

Lương của công chức, viên chức được tính ra sao?

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1/7/2020. Đồng thời, giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

Như vậy, từ 1/7, lương của công chức vẫn được tính theo mức lương cơ sở đang áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng. Kéo theo đó, lương và phụ cấp của công chức cũng không thay đổi so với hiện nay.

Nhiều người sẽ không còn là công chức

Thời điểm 1/7/2020 không chỉ là thời điểm không tăng lương cơ sở mà đây còn là thời điểm Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 chính thức có hiệu lực.

Một trong những quy định nổi bật của Luật năm 2019 là “thu hẹp” đối tượng là công chức.

Theo đó, khoản 2 Điều 4 Luật hiện nay được khoản 1 Điều 1 Luật mới 2019 sửa đổi theo hướng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không còn là công chức.

Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm thay thế bảng lương hiện nay nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW.

Tuy nhiên, khoản 19 Điều 1 của Luật sửa đổi năm 2019 cũng nêu rõ, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Luật và các văn bản hướng dẫn hiện hành vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện chế độ, chính sách … cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.

Công chức phải kiểm định chất lượng đầu vào

Tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 nêu rõ, thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.

Cũng theo quy định tại Luật sửa đổi, những trường hợp sau đây sẽ không phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào:

- Các đối tượng được xét tuyển vào công chức: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Người học theo chế độ cử tuyển sau đó về công tác tại địa phương cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; nhà khoa học trẻ tài năng.

- Các trường hợp tuyển dụng đặc biệt: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong quân đội, công an, cơ yếu nhưng không phải công chức…

Như vậy, có thể thấy, trừ những người được xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt vào công chức thì các đối tượng thi tuyển vào công chức từ 1/7/2020 - thời điểm Luật sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực đều phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào.

Cán bộ, công chức tham nhũng đương nhiên bị buộc thôi việc

Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quy định về việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng.

Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 2 trường hợp:

- Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo.

- Bị kết án về tội phạm tham nhũng.

Như vậy, có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý. Nó không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn.

Ngoài ra, cũng bổ sung thêm quy định về hình thức hạ bậc lương với công chức. Theo đó, việc hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (trước đây không có quy định về điều này).

Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức

Điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện nay quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trong đó, chỉ nêu 1 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...

Trong khi đó, khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.

Không chỉ vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp:

- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Cán bộ, công chức cấp xã.

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức.

- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…

- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Có thể thấy, trước đây, các hình thức thi tuyển, xét tuyển hay tuyển dụng đặc biệt nêu trên chỉ được quy định tại các Thông tư 03/2019/TT-BNV, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP... mà chưa được luật hóa. Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung này đã mở rộng “cánh cổng” bước chân vào công chức đối với nhiều người.

Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc

Đây là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, công chức vẫn được phân loại thành 4 mức. Tuy nhiên, mức “hoàn thành nhiệm vụ (Theo khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 29 Luật Cán bộ, công chức).

Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đối tượng này công tác.

Như vậy, có thể thấy việc đánh giá cán bộ, công chức hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

4 trường hợp công chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Trong đó, theo quy định hiện hành, thời hiệu áp dụng với công chức là 24 tháng.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là quá ít khi hành vi vi phạm để bị kỷ luật của công chức nhiều khi rất khó phát hiện, xử lý và đang cào bằng giữa các hình thức xử lý vi phạm. Do đó, để phù hợp với thực tế, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cụ thể:

- 2 năm nếu bị kỷ luật khiển trách.

- 5 năm với các hành vi không thuộc trường hợp bị khiển trách.

Đặc biệt, Luật sửa đổi còn bổ sung 04 hành vi không áp dụng thời hiệu xử lý như:

- Cán bộ, công chức là Đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật khai trừ.

- Vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Có thể thấy, những hành vi này vô cùng nghiêm trọng do đó việc không áp dụng thời hiệu xử lý là quy định hoàn toàn phù hợp.

Đồng thời, dự án Luật này cũng kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức:

- Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày (hiện nay là 2 tháng).

- Nếu vụ việc có tình tiết phức tạp cần phải thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày (hiện nay đang là 4 tháng)…

Bị kỷ luật, công chức vẫn được bổ nhiệm lại

Theo Điều 82 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Như vậy, hiện nay, công chức chỉ có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu sau 12 tháng không có vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật.

Trong khi đó, về việc xử lý công chức đang bị kỷ luật, Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ 01/7/2020 tới đây lại quy định cụ thể theo các hình thức xử lý kỷ luật. Cụ thể:

- Khi bị kỷ luật bằng khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương: Không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

- Khi bị kỷ luật bằng giáng chức hoặc cách chức: Không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Đặc biệt: Khi hết các khoảng thời hạn nêu trên mà công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

Có thể thấy, từ 1/7/2020, khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, công chức không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc vào chức vụ thấp hơn.

Hoàng Mai

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/dien-dan/tu-17-hang-loat-chinh-sach-moi-anh-huong-den-cong-chuc-52104.html