Từ 1/7/2019 nâng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng

Chiều nay (9/11), với 86,19% số đại biểu Quốc hội có mặt đã đồng ý thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Các ĐB bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019 (ảnh TTXVN)

Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 425.252 tỷ đồng. Quốc hội cho phép sử dụng 10.380 tỷ đồng kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: Bù giảm thu cân đối ngân sách Trung ương là 5.894 tỷ đồng; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương là 2.815 tỷ đồng; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương là 1.671 tỷ đồng. Số kinh phí này quyết toán vào chi ngân sách Nhà nước năm 2017. Giao Chính phủ rà soát khoản kinh phí 12.254,9 tỷ đồng theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ để sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2018 và quyết toán vào ngân sách Nhà nước năm 2018. Trường hợp không giải ngân hết, thực hiện hủy dự toán theo quy định.

Đặc biệt, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng; Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019. Đồng thời, Nghị quyết cũng giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, ưu tiên dành nguồn cải cách tiền lương.

Riêng đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: Dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do các địa phương quyết định theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-172019-nang-luong-co-so-len-149-trieu-dongthang-82652.html