Từ 1/6, 100% cửa hàng đều kinh doanh xăng E5: Khó thành hiện thực

Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu 8 tỉnh, TP phấn đấu đến ngày 1/6/2016, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán xăng E5. Tuy nhiên, điều này đang khó khả thi khi hầu hết các nhà máy sản xuất ethanol (cồn để pha trộn xăng E5) đã dừng hoạt động.

7 nhà máy ethanol dừng sản xuất
Để đảm bảo đúng lộ trình theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012, Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh đến ngày 1/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn bán xăng E5. 100% lượng xăng RON 92 cũng được yêu cầu thay thế bằng xăng E5. Đối với các tỉnh, TP khác đến ngày 1/6/2016 đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Tuy nhiên, yêu cầu này liệu có được coi là “quá sức” đối với Bộ Công Thương hay không khi mà hầu hết các nhà máy sản xuất ethanol hiện nay đều đã phải dừng hoạt động bởi chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Người tiêu dùng mua xăng E5 tại một cửa hàng trên đường Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol nhưng có đến quá nửa sử dụng công nghệ từ Trung Quốc nên sản phẩm ethanol không đạt tiêu chuẩn pha chế xăng E5 đã được các DN pha chế xăng E5 ngừng hợp đồng tiêu thụ. Chẳng hạn, Nhà máy Ethanol Đại Việt (tỉnh Đắk Nông), công suất thiết kế 55.000 tấn ethanol/năm, mặc dù năm 2011 mới đi vào hoạt động nhưng đến tháng 4/2013, đã phải đóng cửa.
Nhà máy Ethanol ĐăkTô (tỉnh Kon Tum) có công suất thiết kế 50.000 tấn ethanol/năm, nhưng cũng phải dừng hoạt động bởi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn pha chế thành xăng E5. Năm 2012, Nhà máy Đại Tân (Quảng Nam) cũng chịu chung tình trạng như các dự án trên.
Mặc dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất Ethanol nhưng đến nay Nhà máy Ethanol Tam Nông (Phú Thọ) và Bình Phước cũng mới hoàn thành giai đoạn thi công hoặc mới chạy thử nghiệm chưa đi vào sản xuất. Ngay cả Nhà máy Ethanol Dung Quất có tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, công suất đạt 100 triệu lít ethanol/năm nhưng sau 4 năm vận hành đến tháng 4/2015 đã tạm ngưng. Và tháng 3/2016, toàn bộ hoạt động của nhà máy đã chính thức tạm dừng sản xuất do mức tiêu thụ sản phẩm quá ít.
Chưa hấp dẫn người tiêu dùng
Nhằm kích cầu tiêu dùng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương được giao nghiên cứu xây dựng phương pháp tính giá cơ sở đối với xăng E5 theo hướng bảo đảm DN kinh doanh phân phối xăng E5 có hiệu quả; áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với xăng E5. Đồng thời trong năm nay, tiếp tục áp dụng biện pháp trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 thấp hơn đối với xăng RON 92.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện 100% các phương tiện vận tải đường bộ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải sử dụng xăng E5.
Đồng thời vận động cán bộ, người lao động trong cơ quan sử dụng xăng sinh học E5. Báo cáo của Sở Công Thương cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 123 cửa hàng kinh doanh xăng E5, chiếm 62% số cửa hàng thuộc các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, thương nhân phân phối và đạt 26% trên tổng số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Mặc dù ngành công thương Hà Nội đã tích cực mở rộng hệ thống kinh doanh xăng E5 tuy nhiên đến nay lượng xăng E5 bán tại địa bàn chỉ đạt 20% tổng lượng xăng dầu bán ra.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nguyên nhân khiến lượng xăng E5 có mức tiêu thụ thấp bởi doanh số ít, chiết khấu thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu nên nhiều cửa hàng xăng dầu chưa tích cực chuyển đổi. Đồng thời giá xăng E5 cũng chỉ thấp hơn xăng khoáng 500 đồng/lít, chưa đủ khuyến khích người mua trong khi lợi nhuận trên mỗi lít xăng E5 lại không cao hơn xăng khoáng. Cùng với những khó khăn về nguồn cung cấp. “Vì vậy đến 1/6/2016 việc đảm bảo 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có bán xăng E5 là điều không thể đảm bảo” - bà Trần Thị Phương Lan nhận định.
Thực tế cho thấy DN chuyển đổi từ kinh doanh sản phẩm xăng truyền thống sang sản phẩm xăng E5 sẽ tốn lượng kinh phí đầu tư các phương tiện chứa, trữ hàng hóa. Ngoài ra, người tiêu dùng vẫn có thoi quen sử dụng xăng truyền thống. Điều đó cho thấy, việc cung ứng, sử dụng xăng E5 đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ nguồn cung, phân phối đến thói quen sử dụng.

Sẽ không tăng giá xăng

Theo chu kỳ điều chỉnh, hôm nay (5/4) Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở để từ đó DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng này. Hiện tại, giá nhập khẩu xăng RON 92 tại Singapore (thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam) cập nhật đến hết ngày 31/3 gần như không biến động so với chu kỳ điều chỉnh lần trước. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,55 USD, xuống 36,79 USD/thùng, thấp nhất kể từ 15/3. Từ những phân tích trên, một số chuyên gia nhận định có thể trong chu kỳ điều chỉnh này, giá xăng, dầu có thể giữ nguyên. Trong trường hợp cần điều chỉnh, cơ quan quản lý có thể cho xả thêm một ít quỹ bình ổn để không tăng giá xăng. (Thanh Hằng)

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://www.kinhtedothi.vn/kinh-te/tin-tuc/2016/04/8103309d/tu-1-6-100-cua-hang-deu-kinh-doanh-xang-e5-kho-thanh-hien-thuc/