Từ 1/10, gửi tin nhắn rác bị phạt bao nhiêu tiền?

Phạt đến 100 triệu đồng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo.

Từ 1/10, gửi tin nhắn rác bị phạt bao nhiêu tiền? - Hình minh họa

Từ 1/10, gửi tin nhắn rác bị phạt bao nhiêu tiền? - Hình minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nghị định này quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nghị định 91/2020/NĐ-CP đưa ra hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác.

Mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đồng thời, thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên…

Về nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, Điều 13 Nghị định này nêu rõ, mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người sử dụng.

Đồng thời, người quảng cáo chỉ được gửi tin nhắn trong thời gian từ 7h đến 22h mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng và khi đã được cấp tên định danh, không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo.

Riêng quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì tin nhắn quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước và mọi tin nhắn quảng cáo phải được gắn nhãn ở vị trí đầu tiên trong phần nội dung tin nhắn. Nhãn này phải có dạng [QC] hoặc [AD].

Cự Giải (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/cuoi-tuan-tu-110-gui-tin-nhan-rac-bi-phat-bao-nhieu-tien-a335412.html