Từ 1/1/2018, người nào cản trở ly hôn có thể bị phạt tù

KHOE+ Theo luật sư Mai Thảo, ly hôn thực chất là mặt trái của quan hệ hôn nhân, cũng là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân đó thực sự tan vỡ; là giải pháp sau cùng khi không còn khả năng hàn gắn lại cuộc sống vợ chồng...

Để đáp ứng và theo kịp sự phát triển của xã hội, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018 tới đây đã có những thay đổi mang tính phát triển. Đặc biệt là những quy định về các tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình có nhiều thay đổi đáng kể so với BLHS hiện hành. PV Báo điện tử Infonet vừa có cuộc trao đổi với luật sư Mai Thảo (Trưởng ban Dân sự Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Luật sư Mai Thảo chia sẻ: “Ly hôn thực chất là mặt trái của quan hệ hôn nhân cũng là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân đó thực sự tan vỡ; là giải pháp sau cùng khi không còn khả năng hàn gắn lại cuộc sống vợ chồng - mục đích hôn nhân không đạt được.

Trước đây, do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu, việc ly hôn được xem là bất bình thường, bị xã hội lên án và bị hạn chế tối đa, đặc biệt là đối với người phụ nữ, việc chủ động xin ly hôn là điều khó chấp nhận được.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, cách nhìn nhận về ly hôn đã thay đổi, có phần thoáng hơn; ly hôn được xem là một hiện tượng bình thường của xã hội hiện đại. Tức là khi xã hội thừa nhận quyền tự do kết hôn thì cũng đương nhiên cho phép tự do trong ly hôn.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Mai Thảo phân tích: “Ly hôn là một trong những quyền cơ bản của con người, việc Nhà nước thừa nhận chế định ly hôn trong pháp luật là thể hiện sự đảm bảo cũng như tôn trọng quyền tự do định đoạt của vợ chồng, giúp họ giải quyết những bế tắc, xung đột trong đời sống hôn nhân.

Điều 181 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”. Như vậy, nội dung điều luật này so với BLHS cũ có bổ sung thêm hành vi “cản trở ly hôn tự nguyện” là hành vi có thể bị xử lý hình sự.

Theo quy định cũ tại Khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc xử lý hành vi “cản trở ly hôn tự nguyện” thì chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Từ 1/1/2018, khi bắt đầu có hiệu lực, BLHS đã mở rộng các hành vi được coi là nguy hiểm cho xã hội trong chế định hôn nhân gia đình, trường hợp một bên trong quan hệ hôn nhân (người vợ, người chồng) muốn ly hôn mà người chồng, người vợ hay gia đình hai bên cản trở không cho ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác. Tuy nhiên, hành vi cản trở ly hôn chỉ bị xử lý hình sự khi người có hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở đó mà còn tiếp tục vi phạm. Hình phạt cao nhất có thể lên đến 03 năm tù.

Tiến Anh

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/tam-su/giu-lua/tu-1-1-2018-nguoi-nao-can-tro-ly-hon-co-the-bi-phat-tu-20571.html