TTK NATO: Bức tường Berlin sụp đổ là chiến thắng của giá trị phương Tây

Theo RIA Novosti, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tin rằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin, mà ông gọi là 'vết sẹo' trên mặt châu Âu, là chiến thắng của các giá trị phương Tây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: RIA Novosti.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: RIA Novosti.

“Chúng ta đã đến lúc phải nhớ lại rằng, chúng ta đã đi cùng nhau bao xa trong một thế hệ ... 29 người bạn và đồng minh, kề vai sát cánh cùng nhau bảo vệ tự do dân chủ, để giữ gìn hòa bình cho gần một tỷ công dân”, ông Stoltenberg nói trong một buổi lễ nơi một mảnh của Bức tường Berlin được lắp đặt làm tượng đài ở trụ sở của NATO.

Theo Tổng thư ký NATO, bức tường là một “vết sẹo” trên mặt châu Âu, nó cố gắng tìm cách níu giữ mọi người và ý tưởng của họ. “Tuy nhiên, điều này đã không thành công bởi vì tầm nhìn và giá trị của chúng tôi mạnh mẽ hơn vượt qua khỏi bức tường”, ông nhấn mạnh.

Bức tường Berlin là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin với phần phía Đông của thành phố với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức từ ngày 13/8/1961 đến ngày 09/11/1989. Tổng chiều dài là 155 km. Tây Đức trở thành một nhà nước dân chủ và thịnh vượng, trong khi Đông Đức trở thành một quốc gia theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Tại Đức, có thông báo rằng từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020, ngày kỷ niệm thống nhất nước Đức sẽ được tổ chức. Đặc biệt vào ngày 9/11/2019 tại Berlin và trên toàn nước Đức, lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức cho sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.

“Không có Liên Xô và Nga, nước Đức sẽ không thể thống nhất”

Liên quan tới lễ kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, ông Matthias Platzeck, cựu Thủ tướng của bang Brandenburg ở Đông Đức, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức trả lời trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti rằng: "Nếu không có sự tham gia của Liên Xô và Nga, nước Đức sẽ không thể thống nhất".

Tàn tích của Bức tường Berlin hiện nay. Ảnh: RIA Novosti

“Nếu không có chính phủ Liên Xô khi đó, sự thống nhất của Đức sẽ là không thể, ít nhất là trong một thời gian ngắn, đây là một sự thật lịch sử vẫn không thể phủ nhận. Chúng ta đừng quên rằng Thủ tướng Anh lúc bấy giờ Margaret Thatcher và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand nói rõ rằng, trên thực tế sau khi thống nhất hai phần Đông và Tây, một nhà nước Đức lớn hơn sẽ trở nên quá mạnh. Do các vấn đề lịch sử và kinh tế, cũng như các vấn đề chính trị ở châu Âu, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Jordan Bush lúc bấy giờ đã tạo ra con đường dẫn đến sự thống nhất châu Âu”, chính trị gia Platzeck cho biết.

Ông Platzeck nói thêm, chính lãnh đạo Liên Xô Gorbachev lúc bấy giờ đã làm rất nhiều cho việc thống nhất nước Đức. Ông Gorbachev đã đảm bảo lực lượng Hồng quân Liên Xô đồn trú tại Đông Đức án binh bất động, và sau đó ông đã đồng thuận với việc nước Đức tái thống nhất.

“Chúng ta không nên quên một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của việc thống nhất nước Đức và châu Âu là quyết định của Liên Xô rút nửa triệu binh sĩ khỏi Đông Đức, cũng như từ các quốc gia khác ở Đông Âu”, ông Platzeck nhận định.

Thanh Tuấn (lược dịch)

Từ khóa: Tổng thư ký NATO Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg bức tường Berlin Đông Đức Tây Đức

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ttk-nato-buc-tuong-berlin-sup-do-la-chien-thang-cua-gia-tri-phuong-tay-post319818.info