TTCK từ 12-16/11: Cần có chiến lược rõ ràng để hành động

Tuần qua, thị trường đã chứng kiến diễn biến tiêu cực nhiều hơn tích cực, đặc biệt là diễn biến tiêu cực trong ngày cuối tuần trước khiến các chuyên gia cũng vướng phải thua lỗ cho các giao dịch ngắn hạn. Tuy nhiên, diễn biến giảm cũng được xem là cơ hội để lựa chọn các cổ phiếu tốt theo tiêu chí cơ bản để sẵn sàng hành động.

Vì sao chưa thể bứt phá?

Chia sẻ trên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, tuần qua, trong khi tâm lý giới đầu tư chưa kịp hứng khởi sau cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ngay lập tức đưa giới đầu tư trở lại mặt đất khi để ngỏ khả năng sẽ nâng lãi suất thứ tư trong năm 2018 vào tháng 12.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang lo lắng về nguy cơ tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới khi giá dầu giảm phiên thứ 10 liên tiếp, chuỗi phiên giảm giá dài nhất kể từ năm 1984 và có thêm những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Các dữ liệu bi quan trên của Trung Quốc và khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất đã gây áp lực giảm lên chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần chứ không riêng gì chứng khoán Việt Nam. Tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư cùng với sự “dửng dưng” của dòng tiền lớn đã làm chỉ số VN-Index giảm 1,14% trong tuần vừa qua.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhìn nhận: Thị trường trong tuần vừa qua giao dịch khá thấp và hầu như không có phiên nào lực cầu đủ mạnh để đẩy chỉ số VN-Index vượt qua khỏi ngưỡng kháng cự 930.

Báo cáo doanh nghiệp quý III đã công bố gần hết và hầu như nằm trong dự báo vì vậy không tạo nhiều bất ngờ với nhà đầu tư. Thị trường cần một điểm tựa để đặt niềm tin vĩ mô sẽ ổn định và tăng trưởng năm sau tốt hơn ở các doanh nghiệp. Trong khi vấn đề này có sự lệ thuộc lớn vào tình hình biến động chính trị và thương mại của thế giới.

Vì vậy, trong ngắn hạn ít nhất trong tuần này, ông Khanh cho rằng thị trường sẽ vẫn ở trạng thái chờ đợi và tích lũy quanh vùng hỗ trợ mạnh trước đây.

Khối ngoại vẫn đang quan sát

Chia sẻ trên Vneconomy.vn, ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS cho rằng, nhà đầu tư ngoại thường giao dịch khoảng 15-20% giá trị giao dịch thị trường nhưng mang tính dẫn dắt thị trường rất cao. Bản thân khối ngoại tuần qua chuyển từ bán ròng sang mua ròng nhưng mức độ tham gia thị trường giảm sút cho thấy họ cũng đang rất thận trọng với diễn biến chung của thị trường.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi mà dòng tiền rút dần ra khỏi thị trường trong diễn biến chung không mấy tích cực.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank thì cho rằng, động thái trên của khối ngoại không đáng ngại trong trung - dài hạn do thị trường Việt Nam nhìn chung vẫn được đánh giá là ổn định so với khu vực và trên thế giới đồng thời lại nhận được sự hậu thuẫn khá tốt bởi các yếu tố vĩ mô khả quan.

Do đó, trong khi dòng vốn ngoại có xu hướng bị rút mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi thì Việt Nam vẫn được bơm thêm 2,89 tỷ USD tính từ đầu năm 2018. Chưa dừng lại ở đó, dòng vốn ngoại hiện vẫn đang "nằm vùng chờ thời" hơn 1 tỷ USD để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt theo số liệu của Ủy ban chứng khoán.

Như vậy, khối ngoại có nhiều khả năng chỉ đang tạm thời "nghỉ nghơi" trong bối cảnh các tác động tiêu cực vẫn còn khá nhiều. Việc này có thể gây ra tác động ngắn hạn lên thị trường khi mà mức thanh khoản chung sẽ trở nên kém hơn.

Nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng để hành động

Với mức thanh khoản thấp như tuần vừa qua, ông Ngô Quốc Hưng, bộ phận chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS nhận địn, nhóm nhà đầu tư đang đứng ngoài có lợi thế, thị trường đang đi đúng kịch bản và họ có thời gian để xây dựng danh mục, do vậy nếu nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu càng chán nản càng mất kiên trì thì nhóm kia càng dễ xây dựng danh mục.

Tuy nhiên, dù nhà đầu tư có ở nhóm nào thì ông Hưng khuyên cũng nên “hành động” theo các quy tắc giao dịch hoặc theo kỹ luật. Nhóm xây dựng danh mục không nên vội vàng all-in mà nên “ném đá dò đường” hoặc vào từng phần danh mục. Nếu các thiết lập bị vi phạm, có thể giảm tỷ trọng, hạ margin hoặc dừng lỗ, đặc biệt không bình quân giá xuống.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán thì cho rằng, khi ở giai đoạn như hiện nay, cơ hội sẽ xuất hiện và đó là lúc nên mua. Tuy nhiên, cần xác định là thị trường chưa thể khởi sắc nên cần có chiến lược rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận định: Về định giá chung, thị trường hiện nay đang ở vùng chấp nhận được có nghĩa là không quá đắt nhưng cũng không phải là quá rẻ.

Có một điểm là trước đây nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư khi PE bình quân thị trường trên 20 và P/BV nhiều cổ phiếu ngân hàng trên 2.5 nhưng vẫn xem là rẻ do sự kỳ vọng quá lớn. Vì vậy, với mặt bằng thị trường hiện tại thì giá cổ phiếu được xem là phù hợp để nắm giữ.

Khi chưa có yếu tố hỗ trợ thị trường có thể có nhiều nhịp điều chỉnh và đây là cơ hội để tích lũy cổ phiếu. Chỉ cần điều kiện vĩ mô ổn định không quá xấu thị trường sẽ có nhiều cơ hội sắp tới.

M.Dung (tổng hợp)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ttck-tu-12-16-11-can-co-chien-luoc-ro-rang-de-hanh-dong.aspx