TTCK TP Hồ Chí Minh quy tụ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế

Qua 20 năm hoạt động và phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (SGDCK TP.HCM - HOSE) đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN), góp phần phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Qua 20 năm hoạt động và phát triển, SGDCK TP.HCM ngày càng lớn mạnh và quy tụ nhiều doanh nghiệp kinh tế hàng đầu niêm yết.

Qua 20 năm hoạt động và phát triển, SGDCK TP.HCM ngày càng lớn mạnh và quy tụ nhiều doanh nghiệp kinh tế hàng đầu niêm yết.

Ba ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn

Từ phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh – tiền thân của SGDCK TP.HCM, đã đã chính thức đưa TTCKVN đi vào hoạt động có tổ chức với mục tiêu xây dựng một kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả. Đến nay, HOSE đã xây dựng được một thị trường chứng khoán tập trung quy mô lớn nhất cả nước, quy tụ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế.

Cụ thể, qua 20 năm hoạt động, SGDCK TP.HCM có tổng cộng 483 mã cổ phiếu, 9 chứng chỉ quỹ đóng, 478 trái phiếu, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 165 chứng quyền có bảo đảm tham gia niêm yết mới và 103 mã cổ phiếu, 6 chứng chỉ quỹ, 81 trái phiếu và 89 chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết. Tổng giá trị chứng khoán được mua bán trao đổi qua Sở sau 20 năm đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng (hơn 339 tỷ chứng khoán).

Riêng tính đến ngày 30/6/2020, SGDCK TP.HCM có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP. Có 74 công ty chứng khoán thành viên với hơn 2,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư.

Đáng chú ý, các công ty niêm yết trên HOSE là các công ty lớn, đầu ngành, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định. Trong đó, có 3 ngành có tỷ trọng cao nhất trên SGDCK TP.HCM bao gồm ngành tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu, chiếm hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Đặc biệt, có 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE, trong đó có 10 ngân hàng. Điều này khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của SGDCK TP.HCM trong việc thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của các công ty lớn của nền kinh tế. Có thể thấy, top 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất theo thống kê của Tổng cục thuế năm 2018 có đến 5 công ty niêm yết, bao gồm GAS, VCB, TCB, VNM, BID.

Góp phần tái cấu trúc nền kinh tế

Bên cạnh việc quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn tham gia TTCK, Sở GDCK TP.HCM còn là kênh huy động và phân bổ vốn năng động và hiệu quả cho nền kinh tế, từng bước trở thành kênh đầu tư quan trọng, thúc đẩy công tác cổ phần hóa và hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo Sở GDCK TP.HCM, kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp đã huy động được một lượng vốn đáng kể để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 295 ngàn tỷ đồng với 834 đợt phát hành, trong đó giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015 có mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004-2009.

Trên 80% công ty niêm yết trên SGDCK TP.HCM đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, phải kể đến một số công ty có mức tăng vốn điều lệ cao như: CTCP Vincom-VIC (43 lần), Ngân hàng Ngoại Thương-VCB (33 lần), CTCP Cơ điện lạnh-REE (21 lần), CTCP Sữa Việt Nam-VNM (11 lần).

Nguồn vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp có giá trị huy động vốn lớn gồm VIC, VCB, MSN, BID là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận trên vốn và tài sản ở mức cao so với bình quân thị trường.

Sở GDCK TP.HCM cũng đã thực hiện 550 cuộc đấu giá cổ phần các doanh nghiệp kể từ năm 2005, bán được hơn 4.207 triệu cổ phần và hơn 122 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 228 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp; trong đó, có 346 đợt chào bán cổ phần của DNNN cổ phần hóa, thu về gần 74.807 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đấu giá tiêu biểu có giá trị cổ phần thu về cao như: SAB (hơn 115 ngàn tỷ trong 2 đợt năm 2008 và 2017), VCB (trên 10 ngàn tỷ, năm 2007), VNM (hơn 9,5 ngàn tỷ trong 2 đợt 2005 và 2017). Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ giúp chuyển đổi các doanh nghiệp sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Sở sẽ hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu đạt quy mô thị trường cổ phiếu 120% GDP vào năm 2025. Riêng năm 2020, số lượng công ty niêm yết sẽ tăng 20% so với năm 2017.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/ttck-tp-ho-chi-minh-quy-tu-cac-doanh-nghiep-niem-yet-hang-dau-trong-nen-kinh-te-20200714100647788.htm