TT Trump rút khỏi hiệp định hạt nhân INF, nghị sĩ Nga phản ứng như thế nào?

Quyết định hủy bỏ Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF) với lý do Nga đã vi phạm nội dung văn bản này của Mỹ đã khiến nhiều nghị sĩ Nga có những phản ứng khác nhau.

Vào ngày 20/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF vì Nga đã vi phạm nội dung của văn bản này “trong nhiều năm”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước INF.

Phản ứng với tuyên bố này, nghị sĩ Nga Frants Klintsevich cho biết: “Quyết định từ bỏ hiệp ước INF của Tổng thống Donald Trump không phải là điều quá ngạc nhiên với chúng tôi, nhưng chúng tôi hi vọng rằng lý trí sẽ giành chiến thắng sau cùng. Có thể thấy rõ rằng Mỹ không có bằng chứng chứng minh Nga vi phạm nội dung INF”.

Nghị sĩ người Nga cũng nhấn mạnh quyết định rời bỏ hiệp ước INF của ông Trump không phù hợp với lợi ích của các đồng minh Châu Âu của Mỹ. “Mỹ đang muốn đưa chúng tôi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Họ sẽ không bao giờ thành công. Tôi chắc chắn rằng nước Nga sẽ có thể bảo vệ chính mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông Klintsevich nói thêm.

Ông Alexey Pushkov, một thành viên của thượng viện Nga cũng nhận định, quyết định của Mỹ là một đòn đánh mạnh đối với cơ chế bảo đảm sự ổn định an ninh toàn cầu tiếp theo, sau khi nước này rút khỏi Hiệp định Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) vào năm 2002.

“Nếu Mỹ rút khỏi hiệp định INF, đó sẽ là đòn đánh mạnh tiếp theo mà Mỹ gây ra đối với sự ổn định toàn cầu. Trước đó họ đã giáng đòn mạnh đầu tiên sau khi đã rút khỏi hiệp ước ABM. Một lần nữa nước Mỹ là bên tuyên bố bãi ước trước tiên”, ông Pushkov viết trang Twitter cá nhân của mình.

Nghị sĩ người Nga cho hay tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ khi có hành động gây hấn bằng vũ khí hạt nhân từ bên ngoài đồng nghĩa rằng Nga sẽ không để Mỹ qua mặt về khả năng tấn công hạt nhân.

“Chỉ có cách đó mới có thể ngăn chặn những hành động gây hấn bằng vũ khí hạt nhân từ bên ngoài. Có thể thấy Mỹ đang đưa thế giới trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, ông Pushkov nói.

Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký kết vào năm 1987, trong đó nghiêm cấm việc phát triển, thử nghiệm và triển khai các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn nằm trong khoảng từ 500 đến 5.500km.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tt-trump-rut-khoi-hiep-dinh-hat-nhan-inf-nghi-si-nga-phan-ung-nhu-the-nao-post279457.info