TT Trump bị chỉ trích vì không xuất hiện, 'chỉ ngồi tweet' về xả súng

Sau hai vụ xả súng trong chưa đầy một ngày làm chết tổng cộng 29 người ở Mỹ, Tổng thống Trump đang chịu chỉ trích dữ dội vì không đích thân xuất hiện, mà chỉ viết trên Twitter.

Những giờ đầu tiên sau thảm kịch, tổng thống Mỹ vẫn đang ở sân golf của mình ở New Jersey. Ông đăng các tweet động viên nước Mỹ, nhưng ngay sau đó lại đăng các tweet khác công kích các đối thủ chính trị và cổ vũ cho trận đấu vật trên truyền hình.

Vụ xả súng ở El Paso, Texas, sáng ngày 3/8 giết chết 20 người. Nửa ngày sau đó, vụ xả súng ở Dayton, Ohio cướp đi 9 sinh mạng.

Ông Trump chỉ xuất hiện trước camera cuối giờ chiều ngày 4/8 khi chuẩn bị cùng vợ bay về Washington.

“Thù hận không có chỗ ở đất nước này, và chúng tôi sẽ xử lý vụ việc”, ông Trump nói trước khi bước lên Air Force One. “Chúng tôi đã làm nhiều hơn các chính quyền trước”, ông nói mà không cung cấp chi tiết.

Đổ lỗi cho vấn đề sức khỏe tâm thần ở Mỹ, ông gọi những kẻ xả súng là “có vấn đề tâm lý nghiêm trọng”, theo AP.

Tổng thống Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania Trump bước về phía các phóng viên khi chuẩn bị rời New Jersey ngày 4/8. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania Trump bước về phía các phóng viên khi chuẩn bị rời New Jersey ngày 4/8. Ảnh: AP.

Ông Trump "chưa thoải mái khi động viên nước Mỹ"

Trong cả ngày 3/8, và nửa đầu ngày 4/8, kênh duy nhất để ông lên tiếng với người Mỹ là qua Twitter. Nhưng những tweet của ông dường như không đủ để động viên người Mỹ.

Hãng tin AP nhận định Tổng thống Trump “chưa bao giờ thoải mái trong vai trò an ủi, động viên khi cả nước đang chịu đau thương”, và phản ứng của ông Trump đang bị chú ý sát sao.

Ông sẽ luôn bị so sánh với những người tiền nhiệm, như khi Barack Obama cùng nước Mỹ đối mặt với nhiều vụ xả súng đẫm máu và George W. Bush với vụ khủng bố 11/9.

Giây phút Tổng thống Mỹ Obama rơi nước mắt khi nhắc đến vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, xảy ra ngày 14/12/2012. Ảnh: Telegraph.

Tweet đầu tiên của tổng thống Mỹ sau vụ xả súng ở El Paso ngày 3/8 gọi đây là vụ việc “kinh khủng” và cam kết chính quyền liên bang sẽ dốc toàn lực để hỗ trợ. Nhưng chỉ 14 phút sau đó, ông lại đăng một tweet không liên quan, chúc võ sĩ Colby Covington may mắn với trận đấu võ UFC tối hôm đó.

Tiếp theo, ông tweet về những người ủng hộ gốc Phi, nói tổng thống đã giúp cử tri da đen, khối cử tri mà ông có tỷ lệ ủng hộ rất thấp. Ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy tổng thống Mỹ cũng ghé qua một đám cưới tại câu lạc bộ của mình ở New Jersey, theo AP.

Động cơ của vụ xả súng ở khu Dayton, vốn sầm uất về đêm của bang Ohio, hiện chưa rõ. Nhưng kẻ xả súng ở El Paso, Texas, đã đăng trên mạng tuyên bố đầy thù hận, chống người nhập cư.

Cảnh sát trưởng El Paso Greg Allen cho biết đang điều tra về bản tuyên ngôn dài bốn trang được đăng trên 8chan, diễn đàn online hội tụ những kẻ cực đoan. Văn bản này được cho là do nghi phạm Patrick Crusius viết, gọi hành động của hắn là nhằm "đáp trả sự đổ bộ của người Nam Mỹ vào Texas”, đồng thời tán thành vụ xả súng giết chết 51 người tại hai thánh đường Hồi giáo ở New Zealand vào tháng ba.

Dựa vào đó, các đảng viên Dân chủ đã lên án tư tưởng bài ngoại, cổ súy bạo lực đối với người nhập cư mà ông Trump đã góp phần tạo nên.

Hậu quả của giọng điệu bài ngoại?

Ông Trump coi người nhập cư là hiện tượng đang “lây nhiễm” nước Mỹ, gọi người đến từ Mexico là “kẻ hiếp dâm” khi mở màn chiến dịch tranh cử 2016. Ông gọi di dân là những kẻ xâm chiếm, và đặt câu hỏi vì sao Mỹ nhận người nhập cư từ các nước “dơ bẩn” như ở châu Phi.

Những người phê phán thường nhắc đến việc ông ra lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ, hoài nghi gốc gác của cựu tổng thống Barack Obama, và thực hiện chính sách chia cắt trẻ em khỏi gia đình ở biên giới.

Người dân El Paso cầu nguyện cho nạn nhân của vụ xả súng đẫm máu tại siêu thị Walmart ngày 3/8. Ảnh: AP.

“Gieo cái gì thì sẽ gặt cái đó, và ông Trump đang gieo mầm mống của sự thù hận ở đất nước này. Chúng ta đang gặt hái hậu quả (vụ xả súng), và trách nhiệm nằm trong tay ông ấy”, thượng nghị sĩ Cory Booker của bang New Jersey, ứng viên tranh cử tổng thống 2020 của đảng Dân chủ, nói trên NBC.

Tổng thống Mỹ cũng thường xuyên bị lên án vì luôn chần chừ trong việc lên án chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Nổi bật nhất là năm 2017, sau khi những kẻ theo chủ nghĩa này gây chết người trong cuộc biểu tình ở Charlottesville, ông Trump vẫn nói “cả hai bên” đều có người tốt, người xấu.

Theo Trung tâm Pháp lý về Đói nghèo phía Nam, tổ chức chuyên bảo vệ quyền công dân của người thiểu số, số lượng các nhóm có tư tưởng thù hận đã tăng lên mức kỷ lục dưới thời Tổng thống Trump.

“Ông ấy đã khuyến khích tình trạng này. Ông ấy không chỉ làm ngơ, mà còn khuyến khích. Những kẻ đó đang ‘thừa thắng xông lên’”, ông Beto O’Rourke, ứng viên tổng thống 2020 của đảng Dân chủ, nói với CNN.

“Những tư tưởng này không chỉ gây xúc phạm, mà còn tạo ra bạo lực mà chúng ta vừa mới thấy, bao gồm ở quê hương El Paso của tôi”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tt-trump-bi-chi-trich-vi-khong-xuat-hien-chi-ngoi-tweet-ve-xa-sung-post974717.html