TT - Huế: Phấn đấu trồng khoảng 1.050 ha rừng các loài cây bản địa

Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2025 trồng được khoảng 1.050 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài cây bản địa.

Theo đó, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND, ngày 04/10/2019 về trồng rừng sản xuất gỗ lớn các loài cây bản địa giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tổng vốn dự kiến thực hiện trồng rừng sản xuất gỗ lớn các loài cây bản địa giai đoạn 2019 - 2025 khoảng 64 tỷ đồng. Và, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trồng được khoảng 1.050 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài cây bản địa.

Việc phát triển rừng trồng cây bản địa thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất được triển khai trên các diện tích đất trống, đất rừng trồng các loài Keo đến thời kỳ khai thác có điều kiện lập địa phù hợp.

Kế hoạch này đang giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ và các Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Lâm nghiệp quản lý. Cụ thể, 07 đơn vị được giao thực hiện gồm: Ban quản lý Ban quản lý rừng phòng hộ (Hương Thủy, Sông Hương, ALưới, Sông Bồ, Bắc Hải Vân) và các Công ty Lâm nghiệp (Nam Hòa, Tiền Phong, Phong Điền).

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Phong Điền sẽ trồng thêm 10 ha Lát hoa, Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy sẽ trồng 25 ha Huỷnh, 40 ha Thông Caribe...

Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2025 trồng được khoảng 1.050 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài cây bản địa (Ảnh minh họa).

Từ tháng 11/2019, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Phong Điền và Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đã tổ chức trồng thử nghiệm 18 ha rừng Lát hoa tập trung (đây là những diện tích rừng Lát hoa tập trung thuần loài đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Sau 9 tháng trồng, cây Lát phát triển tốt, H bq 1,4-1,6 m, Doo bq từ 2-3cm; công tác phòng trừ sâu đục nõn hại cây được đặc biệt chú trọng, tổ chức phun phòng sâu đúng thời vụ bằng thuốc đặc hiệu, kết hợp chất bám dính theo đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế nên đã ngăn chặn triệt để sâu đục nõn phá hoại.

Qua kiểm tra việc thực hiện trồng rừng sản xuất gỗ lớn các loài cây bản địa tại Công ty Lâm nghiệp Phong Điền và Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ rừng nhà nước đẩy mạnh phát triển diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn bằng các loài cây bản địa.

Ông Phương hy vọng, từ những gương tiên phong này, phương thức trồng rừng sản xuất gỗ lớn bằng các loài cây bản địa sẽ nhanh chóng lan rộng, tạo nên được hàng trăm ha rừng có giá trị cao trong vài năm tới trên địa bàn tỉnh.

Văn Nghĩa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tt-hue-phan-dau-trong-khoang-1050-ha-rung-cac-loai-cay-ban-dia-post37407.html