TT-Huế: Công trình 'bí ẩn' rạn nứt thuộc dự án 31,7 tỷ đồng

Qua tìm hiểu, công trình 'bí ẩn' sau khi đổ bê tông chưa lâu đã rạn nứt tại phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thuộc dự án 31,7 tỷ đồng.

Công trình Báo Kinh tế nông thôn phản ánh trong bài viết “TT-Huế: Công trình “bí ẩn” sau khi đổ bê tông chưa lâu đã rạn nứt” thuộc Gói thầu số 6. Toàn bộ phần xây dựng nâng cấp đập đất, đường cứu hộ - một trong số gói thầu của Dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thọ Sơn, thị xã Hương Trà được phê duyệt theo Quyết định số 2486/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký ngày 27/10/2017. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (QLDA ĐTXD CTNN và PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.

Cụ thể hơn, Gói thầu nói trên được phê duyệt theo Quyết định số 582/QĐ-BQLDANN của Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế ký ngày 30/6/2018 với giá dự toán gói thầu được phê duyệt là 4.920.511.000 đồng và thời gian thi công là 360 ngày (khởi công ngày 31/7/2018).

Gói thầu này được khảo sát và thiết kế xây dựng bởi Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thừa Thiên - Huế; do đơn Công ty cổ phần Xây dựng 1 - 5 thi công và Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị giám sát.

Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư Dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thọ Sơn, thị xã Hương Trà có tổng mức đầu tư lên tới 31,7 tỷ đồng và được thực hiện trong vòng 03 năm.

Quay trở lại vấn đề rạn nứt tại tuyến đường bê tông Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh trước đó, ông Nguyễn Thịnh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Giám sát trưởng gói thầu xác nhận có hiện tượng rạn nứt tại công trình nêu trên. Với việc sử dụng phương pháp quan sát bằng mắt thường để kiểm tra, bộ phận kỹ thuật của đơn vị này xác định nguyên nhân là do đổ bê tông lúc nắng nóng dẫn đến hiện tượng giãn nở và rạn nứt.

Ông Thịnh phân tích, do công trình chưa đưa vào hoạt động, chưa có xe lưu thông, cùng với đó các vết nứt xuất hiện ở những điểm nhất định nên rạn nứt ở đây không phải do mác bê tông hoặc do nền đất yếu.

Khắc phục những vết nứt ấy, Giám sát trưởng của Gói thầu số 6 khẳng định, do các vết nứt chỉ xuất hiện trên bề mặt nên đơn vị này cho sử dụng sika để hàn gắn.

Những phân tích ban đầu của Phó trưởng phòng Kỹ thuật Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế - Giám sát trưởng thoạt đầu nghe rất hợp lý, tuy nhiên, trước câu hỏi của PV về quy trình giám sát tại công trình, về nguồn gốc của vật liệu được sử dụng trong gói thầu thì vị này chỉ trả lời một cách chung chung.

Từ thực tế trên thấy một số điểm cần làm rõ:

Thứ nhất, chỉ sử dụng phương pháp quan sát bằng mắt thường nhưng Phó trưởng phòng Kỹ thuật Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế - Giám sát trưởng Gói thầu số 6 đã khẳng định các vết nứt tại đây chỉ xuất hiện trên bề mặt chứ không phải nứt hết bề dày lớp bê tông liệu đã đủ thuyết phục dư luận?

Bởi lẽ, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng (xin được giấu tên - PV) cho biết, quan sát bằng mắt thường chỉ có thể đưa ra phán đoán về vết rạn nứt của công trình, muốn đánh giá chính xác cần khoan lớp bê tông tại hiện trường và mang đi ép để đưa ra kết luận chính xác.

Với việc sử dụng phương pháp quan sát bằng mắt thường để kiểm tra, bộ phận kỹ thuật của Ban QLDA ĐTXD CTNN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định nguyên nhân là do đổ bê tông lúc nắng nóng dẫn đến hiện tượng giãn nở và rạn nứt đã đủ thuyết phục dư luận?

Thứ hai, qua việc trả lời hết sức chung chung của ông Thịnh về quy trình giám sát tại công trình, về nguồn gốc của vật liệu được sử dụng trong gói thầu khiến nhiều người nghi hoặc về sự chặt chẽ trong công tác giám sát công trình và sự minh bạch trong vật liệu đã sử dụng, đặc biệt là nguồn gốc đất đã sử dụng để cấp phối tại đây. Từ đó, dư luận có quyền đặt dấu hỏi có hay không việc thiếu minh bạch trong hóa đơn chứng từ liên quan đến Gói thầu số 6 này?

Thứ ba, có hay không sự yếu kém trong năng lực, sự cẩu thả trong thi công của đơn vị thi công xây dựng tại gói thầu này?

Nhắc lại, Gói thầu đề cập đến chỉ là một trong số những gói thầu thuộc Dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thọ Sơn, thị xã Hương Trà có tổng mức đầu tư lên tới 31,7 tỷ đồng và được thực hiện trong vòng 03 năm. Do đó, nếu không đánh kiểm tra, đánh giá những tồn tại tại Gói thầu số 6 một cách khách quan, nghiêm túc, dễ dẫn đến hiện tượng dư luận đánh giá chất lượng dự án theo kiểu “vơ đũa cả nắm”.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

Văn Nghĩa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tt-hue-cong-trinh-bi-an-ran-nut-thuoc-du-an-317-ty-dong-post30370.html