TT 14 năm của Bolivia lên máy bay Không lực Mexico sau khi từ chức

Ngày 11/11, thủ đô La Paz của Bolivia yên lặng hiếm hoi sau nhiều tuần biểu tình. Tổng thống Evo Morales đã phải ra đi, sau khi quân đội và cảnh sát không còn đứng về phía ông.

Trong diễn biến mới nhất, Mexico sẽ cho phép Tổng thống Evo Morales sang tị nạn, theo Guardian.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nói với phóng viên: “Chúng tôi sẽ ngay lập tức thông báo với Bộ Ngoại giao Bolivia rằng theo luật pháp quốc tế, Bolivia phải bảo vệ an toàn cho ông Morales”.

Mexico “đã quyết định cho phép tị nạn chính trị đối với ông Evo Morales vì tình hình cấp bách ở Bolivia đe dọa cả tính mạng và an toàn của ông ấy”, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico nói thêm, và cho biết ông Morales đã nhận đề nghị sang tị nạn. Ông "tweet" một bức ảnh cho thấy ông Morales trên máy bay của Không lực Mexico.

Sự ra đi của tổng thống đã tạo ra sự hỗn loạn và bất trắc ở Bolivia, đồng thời gây lo ngại về khoảng trống quyền lực. Đã có những hành vi cướp bóc, phá hoại, phóng hỏa của cả người ủng hộ lẫn người phản đối ông.

Một cư dân 50 tuổi nói: “Có nhiều sự bất trắc... Người dân vẫn bất đồng nhưng hầu hết nghĩ rằng tổng thống đã lạm dụng quyền lực. Ông ấy phải chấp nhận rằng người dân không muốn ông ấy nữa”.

Người ủng hộ ông Morales bị bắt giữ ở La Paz ngày 11/11. Ảnh: Getty.

Người ủng hộ ông Morales bị bắt giữ ở La Paz ngày 11/11. Ảnh: Getty.

Diễn biến chóng vánh

Ông Morales từ chức sau hàng loạt diễn biến chóng vánh ngày 10/11, bắt đầu bằng việc Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) ra báo cáo nói đã có “thao túng rõ ràng” trong cuộc bầu cử tổng thống tháng trước, và OAS không thể xác minh rằng ông Morales thực sự chiến thắng.

Sau báo cáo của OAS, người đứng đầu tòa án bầu cử tối cao của Bolivia, Maria Eugenia Choque, đã từ chức. Phía công tố cho biết sẽ điều tra các thẩm phán của tòa án này vì gian lận. Cảnh sát sau đó cho biết Choque đã bị bắt giữ cùng 37 quan chức khác.

Tổng thống Bolivia sau đó đối phó bằng việc hứa hẹn một cuộc bầu cử mới, nhưng đến khi lãnh đạo quân đội kêu gọi ông từ chức, ông buộc phải ra đi.

Sang ngày 11/11, ông Morales lên mạng xã hội cáo buộc phe đối lập thực hiện đảo chính. “Họ nói dối, và đổ cho chúng tôi về sự hỗn loạn và bạo lực mà chính họ kích động”, ông nói.

Người ủng hộ Tổng thống Evo Morales biểu tình sau khi ông tuyên bố từ chức, giương biểu ngữ (phải): "Evo, ông không cô độc". Ảnh: Reuters.

Lo ngại khoảng trống quyền lực

Dư luận quốc tế phản ứng trái chiều về các diễn biến tại Bolivia. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc ông Morales từ chức là “giờ phút đầy ý nghĩa cho dân chủ ở bán cầu Tây”.

“Sau gần 14 năm và lần vừa rồi vẫn muốn đứng trên hiến pháp Bolivia và ý chí của người dân, ông đã phải ra đi, dân chủ đã đứng vững và giờ là cơ hội để người Bolivia cất lên tiếng nói”, ông Trump nói trong một thông cáo.

“Mỹ hoan hô người dân Bolivia vì đã đòi quyền tự do và hoan nghênh quân đội Bolivia đã tuân theo lời thề của mình là bảo vệ không chỉ một người, mà chính là hiến pháp Bolivia”.

Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Ebrard thì gọi các diễn biến vừa qua là “đảo chính quân sự”, và kêu gọi OAS họp khẩn.

Đối thủ của ông Morales trong cuộc bầu cử tháng 10 nói chính cuộc biểu tình của người dân đã buộc tổng thống từ chức, không phải quân đội.

Ở Bolivia, lo ngại trước mắt là khoảng trống quyền lực. Người tiếp theo sau khi tổng thống và phó tổng thống từ chức là chủ tịch Thượng viện Adriana Salvatierra. Cấp phó của bà, Jeanine Anez, dự kiến trở thành tổng thống lâm thời.

Hàng loạt nhân vật cao cấp cũng từ chức, bao gồm các nghị sĩ, chính khách các địa phương và tướng lĩnh quân đội, cảnh sát.

“Chúng ta đang trong thời điểm hỗn loạn, không ai lên nắm quyền”, Carlos Cordero, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học San Andrés ở thủ đô La Paz, nói với Guardian, và cho biết chưa có lộ trình đi tới cuộc bầu cử mới.

Bà Jeanine Anez ở La Paz ngày 11/11. Ảnh: AP.

Hiến pháp vẫn trụ vững?

Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã thấy bản thảo thư từ chức của ông Morales được truyền đi, và cơ quan của ông đang xác minh xem thư có thật hay không.

“Theo chúng tôi hiểu thì những người phục vụ trong lực lượng cảnh sát đã từ chối đàn áp biểu tình, và sau đó là những người lính trong lực lượng vũ trang cũng từ chối làm điều đó”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phân tích tiếp.

Ngay cả khi nhiều nhân vật cao cấp từ chức, “vẫn có cấu trúc hiến pháp và vì vậy việc tìm người lên làm lãnh đạo lâm thời một cách chính đáng vẫn rõ ràng... nếu có khoảng trống quyền lực, vẫn có người để đứng ra thiết lập lại hệ thống lãnh đạo theo quy định”, quan chức này nói.

Mạng xã hội lan truyền những cáo buộc phóng hỏa và dọa giết đối với cả hai phe sau khi tổng thống từ chức. Theo đó, nhà của tổng thống ở Cochabamba được cho là đã bị đột nhập, và chính ông cũng cáo buộc “những người đảo chính đã phóng hỏa” nhà chị gái ông và dọa giết các bộ trưởng và con cái họ.

Ông Morales là biểu tượng của phong trào cánh tả quốc tế, nhân vật cuối cùng trong phong trào “thủy triều hồng” (ý thức hệ cánh tả lan rộng) ở Nam Mỹ hai thập kỷ trước. Nhưng từ sau cuộc bầu cử tranh cãi tháng trước, Bolivia đã rơi vào biểu tình diện rộng.

Khi chấp nhận lời đề nghị cho tị nạn của Mexico, cựu tổng thống Bolivia nói rằng ông sẽ trở lại "cùng sức mạnh và nguồn năng lượng".

Hãng thông tấn nhà nước Bolivia, ABI, cho biết tổng thống sẽ trở về Chapare nơi ông đã bắt đầu sự nghiệp chính trị.

“Tôi về với người dân của tôi, những người chưa bao giờ rời bỏ tôi. Cuộc chiến vẫn tiếp tục”, ông nói.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tt-14-nam-cua-bolivia-len-may-bay-khong-luc-mexico-sau-khi-tu-chuc-post1012222.html