TS. Vũ Tiến Lộc: Kinh tế Việt Nam - 'Gian nan' và 'dũng cảm'

Nếu phải nói đến 2 từ khóa miêu tả bức tranh kinh tế Việt Nam 2019, TS. Vũ Tiến Lộc chọn 'gian nan' và 'dũng cảm'...

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc cho biết, sử dụng 2 từ khóa này để nói về kinh tế Việt Nam năm 2019, là bởi nền kinh tế đã ở trong bối cảnh hết sức gian nan, với thời tiết không thuận theo nhiều nghĩa: Kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không hề có lợi gì cho Việt Nam cả trong ngắn, trung và dài hạn. Nhưng trong bối cảnh đó, nền kinh tế và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm sức mạnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã chứng tỏ sự dũng cảm, vượt qua mọi gian nan.

Nhìn lại năm tăng tốc sinh sôi của các doanh nghiệp SME

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, năm 2019, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu và đặc biệt Việt Nam đã lọt vào top nhóm 50 nền kinh tế có quy mô lớn trong năm 2019. Song song đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ, sinh sôi của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2019 là năm thứ 5 có hơn 100.000 doanh nghiệp hoạt động mới. Riêng năm 2019 có hơn 140.000 doanh nghiệp mới, cộng thêm các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, con số có thể lên tới 180.000.

TS.Vũ Tiến Lộc (giữa) phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”, do Ban Kinh tế Trung ương và VCCI đồng chủ trì, VABO và BizLIVE.vn tổ chức

TS.Vũ Tiến Lộc (giữa) phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”, do Ban Kinh tế Trung ương và VCCI đồng chủ trì, VABO và BizLIVE.vn tổ chức

Bên cạnh cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sinh sôi, chúng ta cũng có các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, có doanh nghiệp trở thành tỷ phú trên bản đồ toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng quy mô của các doanh nghiệp lớn có thể nói cũng khá nhanh trong năm qua.

Người đứng đầu VCCI cũng dẫn xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế toàn cầu - theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhấn mạnh với kết quả xét tiêu chí năng lực cạnh tranh, đã cho thấy cải cách, hội nhập trong đó hội nhập có thể xem là bước tiến quan trọng của kinh tế Việt Nam.

60% doanh nghiệp đang làm ăn không có lãi

Bước sang năm 2020, Việt Nam vẫn tiếp tục là một năm gian nan và thử thách ngày càng lớn, nếu không muốn nói là còn nhiều khó khăn hơn. Bởi kinh tế thế giới đang trong xu thế giảm tốc, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung vẫn chưa có bước tiến lạc quan mới, chỉ một cú sốc về thương mại, tiền tệ, công nghiệp sẽ ảnh hưởng ngay và trực tiếp tới nước ta. Nói cách khác cùng quy mô của nền kinh tế tăng mạnh, Việt Nam đang tăng trưởng ở tốc độ cao, trên hết cần lưu ý sức khỏe của doanh nghiệp với nhiều vấn đề.

Trước hết, tăng trưởng của năm nay cũng như các năm trước đến từ chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn - đây là khu vực "ngôi sao hy vọng" của nền kinh tế. Mặc dù năm nay khu vực này đạt tăng trưởng 11,37%, nhưng tồn kho của khu vực này đang tăng tới 17,2%. Điều gì đã xảy ra nếu tồn kho của chế biến chế tạo được đưa về mức bình thường?, TS Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.

Thứ hai, năm 2019 nền kinh tế tăng trưởng du lịch mạnh, đạt tới 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, tăng trưởng mạnh mẽ khiến cho ngành du lịch đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt, điều đó có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển ngành du lịch nhưng không hy sinh môi trường văn hóa, theo đó, chúng ta phải bảo vệ các tài sản môi trường, tài sản văn hóa. Đây là điều rất quan trọng. Cho dù có việc gì xảy ra, Việt Nam phải có chính sách phù hợp để đảm bảo du lịch, đặc biệt là du lịch đại chúng không nên phát triển gây tổn hại đến việc bảo tồn văn hóa.

"60% doanh nghiệp hiện nay vẫn đang kinh doanh trong tình trạng không có lãi, không có điều kiện để tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. 3 năm vừa rồi nguồn thu từ khu vực kinh doanh không đạt theo kế hoạch ngân sách Nhà nước, mặc dù đã có sự điều chỉnh kế hoạch, trong khi đó nguồn thu từ khu vực này bao giờ cũng là nguồn thu bền vững nhất", TS. Vũ Tiến Lộc phân tích.

Ở khu vực FDI, tăng trưởng cũng đang tích cực. Song 50% của tăng FDI thuộc về các nền kinh tế xung quanh - Trung Quốc và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu đối với nhiều thị trường bị suy giảm, chỉ có thị trường Mỹ là tăng trưởng. Đối với thị trường Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu là điều đáng mừng bên cạnh đó chúng ta lại cũng có những nỗi lo. Hiện tại, 70% xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực FDI, không thuộc về doanh nghiệp nội địa. 30% GDP của kinh tế của Việt Nam thuộc về hộ kinh tế gia đình - khu vực kinh tế còn hoang sơ. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán vẫn còn chưa khởi sắc năm qua ...

Về cải thiện môi trường kinh doanh, mặc dù chúng ta đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn rất xa để đạt được mục tiêu nằm trong top 4 của Asean, vì hiện nay xét về năng lực cạnh tranh chúng ta vẫn mới chỉ đứng thứ 7. Năm 2018, Chính phủ đã đưa vào mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 50% các thủ tục, điều kiện kinh doanh. Năm 2020, chúng ta sẽ cố gắng tạo nên đột phá mới trong tiến trình cải cách thể chế.

Đại diện VCCI đề xuất 2 điểm mới đột phá: 1, Tập trung giải quyết những điểm nghẽn, xung đột, thiếu nhất quán của pháp luật về đầu tư kinh doanh. 2, Bên cạnh đó cần có những biện pháp liên tục thúc đẩy cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành. "Tập trung vào 2 điểm này, hy vọng chúng ta sẽ có năm 2020 tươi sáng hơn năm 2019", TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Rà soát ban đầu, VCCI phát hiện có 20 điểm xung đột, chồng chéo trong pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, phát hiện có tới 25 điểm chồng chéo, xung đột. Đây là cản trở rất lớn, làm chậm lại quá trình huy động nguồn vốn đầu tư (ở cả khu vực công và tư) vào phát triển kinh tế, xã hội.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ts-vu-tien-loc-viet-nam-da-co-mot-nam-kinh-te-gian-nan-va-dung-cam-164689.html