TS. Vũ Tiến Lộc: Báo chí là điểm tựa về nguồn tin cho cộng đồng doanh nghiệp

Báo chí một mặt là phản ánh, một mặt là định hướng, hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho doanh nghiệp.

Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về chủ đề mối quan hệ giữa doanh nhân, doanh nghiệp với báo chí hiện nay.

Thời đại của thông tin có chọn lọc

NĐT: Trong bối cảnh quá tải, nhanh nhạy của mạng xã hội hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò thông tin của báo chí, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân?

TS.Vũ Tiến Lộc: Báo chí đóng một vai trò rất quan trọng, đó như một điểm tựa về nguồn tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tôi nói vậy bởi tôi tin rằng, thông tin đưa trên mặt báo bao giờ cũngthông qua kiểm duyệt, một bài viết hoàn chỉnh thể hiện vai trò của ban biên tập, đội ngũ phóng viên được đào tạo một cách chuyên nghiệp, có đạo đức.

Thời đại bây giờ không phải là thời đại thiếu thông tin, mà là lúc cần những thông tin chọn lọc. Trước nguồn thông tin quá tải, độc giả luôn cần kênh thông tin mang tính định hướng, chính xác, tin cậy. Chính vì vậy, báo chí trong thời đại bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng vẫn giữ vai trò như là một điểm tựa, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Và đương nhiên hoạt động của doanh nghiệp thì phải dựa trên những thông tin rất tin cậy, có kiểm chứng, có chuẩn mực, tóm lại đó là những thông tin tinh túy và chính xác. Điều này đóng vai trò rấtquan trọng, bởi nếu thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội thì rất nguy hiểm.

TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI (Ảnh: Hoàng Bích).

TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI (Ảnh: Hoàng Bích).

NĐT: Là người đồng hành, sát cánh cùng với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân từ lâu. Qua các tiến trình phát triển, ông đánh giá thế nào về tương tác giữa báo chí và doanh nghiệp thời gian qua?

TS.Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ báo chí không chỉ làm công việc đưa thông tin đến doanh nghiệp hay đưa thông tin của doanh nghiệp ra thị trường. Vấn đề quan trọng báo chí phải là nơi mà doanh nghiệp cũng như người dân có thể thông qua để cung cấp thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng một cách tin cậy.

Những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, những mong muốn của doanh nghiệp hay ý kiến phản biện từ người dân, có thể đến với các cơ quan chính quyền vẫn nhanh nhất vẫn là thông qua báo chí.

So với trước đây, hiện nay, việc tổ chức thông tin, đóng góp về chính sách, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư hay cung cấp thông tin, quảng bá về doanh nghiệp, được xem là thành công khi thu hút được nhiều cơ quan báo chí đưa tin theo hướng tích cực, nhận được phản ánh tốt, tin cậy từ độc giả.

Báo chí hiện nay còn tham gia trực tiếp vào hoạt động hỗ trợ kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua quảng bá, dịch vụ, mô hình kinh doanh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp ra thị trường.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn có những rủi ro, khi doanh nghiệp có vấn đề xảy ra quá lớn thì qua báo chí họ có thể phản ánh, giúp đưa tiếng nói để bảo vệ, ngay cả trong mối quan hệ giưãdoanh nghiệp với chính quyền.

Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn thì đầu tiên họ tìm đến báo chí phản ánh, tố cái việc nó lên để đánh trống kêu oan cho họ. Nếu báo chí trung thực gặp những doanh nghiệp chân chính thì lập tức sẽ tạo nên một sức mạnh rất là lớn.

Tôi vẫn nói rằng, sức mạnh của báo chí là vô biên, nhất là trong công cuộc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ những người trung thực, cái đó vẫn đang rất cần.

Tiếp cận doanh nghiệp từ giá trị nhân văn

NĐT: Như ông đã chia sẻ, thời đại bây giờ không phải là thời đại thiếu thông tin, mà là lúc cần những thông tin chọn lọc. Với công cuộc chuyển số về mọi mặt, báo chí cũng đang chạy đua để đáp ứng nguồn thông tin cho độc giả. Ông có đánh giá thế nào về phương thức chuyển đổi này?

TS.Vũ Tiến Lộc: Đó là phương thức đúng đắn. Thời đại 4.0, chính các quan báo chí cũng phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số - không có nghĩa là báo chí tương tác với bạn đọc thông qua môi trường mạng mà báo chí phải thay đổi phương thức hoạt động của mình, áp dụng công nghệ số.

Trong giai đoạn mới thì báo chí không chỉ là báo chí đa phương tiện như cách chúng ta vẫn nói mà còn hướng tới đa giá trị chứ. Tức là bắt đầu từ cái tầm nhìn văn hóa.

Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng, báo chí bây giờ phản ánh về doanh nghiệp hay quảng bá cho doanh nghiệp thì nên bắt đầu từ nền tảng văn hóa.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Hoàng Yến).

Nói về doanh nghiệp, để người tiêu dùng, nhà đầu tư lựa chọn, tin tưởng doanh nghiệp, báo chí nên hướng đến giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của doanh nghiệp. Bây giờ giá trị lớn nhất của một doanh nghiệp không phải là tiền bạc, không phải là tài sản, không phải là nhà cửa cũng không phải là các sản phẩm hay dịch vụ mà nó là giá trị xã hội, mang lại hạnh phúc cho con người.

Một hình ảnh doanh nhân, hình ảnh doanh nghiệp trên mặt báo phải là thông tin chính xác, trung thực. Nói là vậy, bởi không tung hô mà báo chí cần khai thác giá trị xã hội mà doanh nghiệp, doanh nhân đó mang lại.

Thời buổi này, giá trị cao nhất của một doanh nhân, doanh nghiệp chính là hình ảnh mà xã hội tôn trọng, kính nể, yêu quý, không gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội mà luôn có trách nhiệm với cộng đồng. Báo chí một mặt là phản ánh doanh nghiệp, một mặt là định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn, cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho doanh nghiệp. Mối quan hệ đó, giữa báo chí và doanh nghiệp hiện nay chính là mối quan hệ cộng sinh.

NĐT: Thời gian qua chúng ta chứng kiến những doanh nhân điều hành những doanh nghiệp lớn rơi vào lao lý và hậu quả tác động tiêu cực đến xã hội. Ông có nhận định gì về câu chuyện này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Giai đoạn này đang là giai đoạn mà khối doanh nghiệp bước vào giai đoạn khó khăn. Có doanh nghiệp, doanh nhân đang bộc lộ những cái vấn đề như trục lợi, lừa dối nhà đầu tư và có một số ít doanh nghiệp đã vào vòng lao lý. Dẫu vậy, tôi cho rằng, chúng ta không đánh đồng mà vẫn cần một góc nhìn bao dung hơn đối với độ ngũ doanh nhân.

Tôi vẫn nói, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế, họ vẫn là những người chiến sĩ thời bình và chính họ là người thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Vì suy cho cùng, đất nước có phát triển hay không thì doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là người xây dựng nền cái nền kinh tế của đất nước. Phía sau doanh nghiệp là cả một đội ngũ người lao động, có những doanh nghiệp có đến hàng vạn người lao động, những đối tác lớn, và cả một chuỗi giá trị, hệ sinh thái “thật”.

Cho nên, khi mà các doanh nghiệp, doanh nhân xảy ra như vậy thì chắc chắn, đã có những cái nhìn có phần dè chưng hơn với đội ngũ làm kinh tế này. Thực tế đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là những động lực cho sự phát triển của xã hội, vì vậy, chúng ta cần có một cách nhìn khác về họ, và báo chí đóng vai trò lớn trong việc định hướng vấn đề này.

Một mặt, chúng ta xét xử nghiêm minh đối với những doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi trục lợi hay lừa dối người tiêu dùng nhưng suy cho cùng vẫn phải có cái nhìn bao dung đối với cả đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

NĐT: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thu Huyền - Hoàng Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-chi-la-diem-tua-ve-nguon-tin-cho-cong-dong-doanh-nghiep-a556988.html