TS tâm lý Vũ Thu Hương: 'Đừng ngụy biện sinh viên mang bầu chịu áp lực mà làm điều ác với chính con ruột'

Theo TS Hương, sinh viên hay bất cứ ai khi làm mẹ đều gặp những khó khăn nhất định. Tuổi sinh viên là quãng thời gian tươi đẹp, hạnh phúc nên các bạn trẻ càng không thể lấy đó làm lý do cho việc chưa sẵn sàng, gặp áp lực hoặc khủng hoảng khi mang thai.

Những ngày gần đây, dư luận không ngừng dậy sóng trước thông tin nghi án nữ sinh ĐH Văn hóa Hà Nội ném con mới sinh từ tầng 31 xuống đất. Dù theo lời khai của người mẹ, đứa bé đã mất ngay sau khi chào đời. Tuy nhiên, hành động tàn nhẫn của cô gái trẻ 21 tuổi vẫn khiến mọi người choáng váng và không ngừng chỉ trích.

Đáng chú ý, theo lời kể của bạn bè, nữ sinh gây ra vụ việc trên là một người xinh đẹp, có năng khiếu ca hát. Cô cũng là người có “tình trường” phức tạp khi dù đang mang thai nhưng đã có tới 2 lần đổi bạn trai. Người yêu mới (chính thức hẹn hò khoảng 1 tuần) của cô còn không hề hay biết bạn gái mình có thai.

Nghi án mẹ đẻ ném con ruột đã làm toàn bộ cư dân ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội) - nơi xảy ra vụ việc được phen hoảng sợ. Những ai quan tâm đến tin tức này có lẽ cũng đang dõi theo nó với một tâm lý bất bình, phẫn nộ.

Xe cấp cứu xuất hiện ở hiện trường vụ việc.

Xe cấp cứu xuất hiện ở hiện trường vụ việc.

Nguyên nhân của việc này có lẽ xuất phát từ việc trong nhiều năm trở lại đây, quan niệm về chữ “trinh tiết” ngày càng có nhiều thay đổi. Chuyện nữ sinh mang bầu đến giảng đường vì thế không còn là điều xa lạ.

Thực tế, có không ít bạn trẻ quyết định kết hôn khi vẫn đang đi học. Có người vì điều kiện gia đình khá giả, không bị áp lực về vấn đề kinh tế nên sẵn sàng làm mẹ dù tuổi còn rất trẻ nhưng cũng không ít bạn vì yêu nhau, vì lỡ làng… mà sẵn sàng chấp nhận vượt qua giai đoạn khó khăn. Họ thà đối mặt với những cuộc khủng hoảng cả về tài chính lẫn tâm lý chứ không nỡ phá thai, giết hại giọt máu đang lớn lên từng ngày.

Trong khi chuyện mang thai và sẵn sàng chịu trách nhiệm, sinh con khi đã đủ tuổi trưởng thành được ủng hộ thì hành vi ném con, chối bỏ cốt nhục của mình do nữ sinh ĐH Văn Hóa gây ra được xem như việc làm đi ngược lại giá trị chung. Vậy mà đâu đó vẫn có rất nhiều ý kiến bênh vực bạn nữ, cho rằng sinh viên mang bầu có rất nhiều khó khăn nên dễ dẫn đến suy nghĩ, hành động ấu trĩ.

Trước vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) để lắng nghe cô phân tích.

“Nếu thấy mình chưa đủ điều kiện,
đừng hành động hồ đồ”

Đánh giá về việc nữ sinh mang bầu, TS Vũ Thu Hương cho rằng, khi đã đủ 18 tuổi, các bạn trẻ đã hoàn toàn có khả năng quản lý những hành vi mình đã thực hiện. Lý do đơn giản là lúc này không có ai có thể đỡ cho bạn nếu bạn làm sai. Đối với pháp luật, người đủ 18 tuổi hoàn toàn công bằng với tất cả mọi người.

“Vì thế, việc bạn hành xử ra sao để dính bầu, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Không thể lấy việc tuổi trẻ hay không có thu nhập để bao biện. Bằng tuổi bạn, những bạn không học Đại học đã sinh con và làm những người mẹ trách nhiệm. Vậy bạn lấy lý do gì để chối bỏ trách nhiệm khi chính bạn đã để con đến với mình”?

Đáp trả quan điểm sinh viên mang bầu phải chịu vô vàn khó khăn, sức ép lớn hơn những người mẹ khác nên dễ bị lo âu, suy nghĩ căng thẳng quá mức, TS Hương thẳng thắn phủ nhận: “Tôi không nghĩ sinh viên có gì phải quá áp lực và khủng hoảng”.

Theo nữ giảng viên ĐH Sư phạm, bất kể ai khi mang bầu cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu nữ sinh đã để “dính bầu” cũng đồng nghĩa với việc bạn đó đã chấp nhận mọi khó khăn đến với mình.

Khó khăn nào cũng lớn và ai cũng phải đối diện với mọi khó khăn. Nếu không thể đương đầu với khó khăn, bạn không thể ra đời trở thành người trưởng thành. Mà nếu đã không thể lo cho chính mình, bạn vui chơi để dính bầu có nghĩa là bạn đã vô trách nhiệm với chính bản thân mình và người khác”, TS Hương nói thêm.

Không những không đồng tình với quan niệm sinh viên sẽ gặp nhiều vất vả, khó khăn hơn người đi làm, TS Hương còn thẳng thắn chỉ ra quãng đời sinh viên là những năm tháng tuổi trẻ vui vẻ, hạnh phúc nhất của rất nhiều người. Hơn 20 năm làm giảng viên Đại học, chính cô đã từng chứng kiến hầu hết học trò của mình đều vui tươi tận hưởng thời gian sinh viên tuyệt vời. Đến khi ra trường, đì làm rồi, bạn nào cũng kêu vất vả quá và nhớ thời gian sinh viên. Vậy thì tại sao mọi người lại lấy khó khăn với áp lực để nói về sự khủng hoảng tâm lý thời sinh viên?

“Tôi thấy chẳng qua bạn trẻ đó đã vui chơi quá đà, không tự trang bị kiến thức giới tính cho mình, để xảy ra tình trạng mang bầu ngoài ý muốn. Có nghĩa là chính bạn ấy đã tự làm khó mình. Mình làm mình chịu, trách được ai”?

Không tự trang bị kiến thức giới tính, để xảy ra tình trạng mang bầu ngoài ý muốn có nghĩa là chính bạn ấy đã tự làm khó mình. Mình làm mình chịu, trách được ai

TS Vũ Thu Hương

“Nếu bạn chưa hiểu biết gì về việc làm mẹ, bạn cũng chưa đủ khả năng và chưa xứng đáng với danh xưng NGƯỜI MẸ”

Trước ý kiến cho rằng việc nữ sinh mang thai bắt nguồn từ hệ quả của công tác giáo dục tình dục kém chất lượng, rằng từ những năm học phổ thông lên tới ĐH, chúng ta đều tránh né vấn đề này, TS Hương tiếp tục đưa ra quan điểm trái ngược. “Trên 18 tuổi thì bạn không có thể nói hệ quả từ đâu được. Những bạn gái ấy đã quan hệ tình dục thì đều biết là sẽ dễ dàng sinh em bé”, TS Hương nói.

Là người đi dạy giáo dục giới tính nhiều năm cho trẻ nhỏ, TS Hương khẳng định nhiều bé chỉ chừng 8,9 tuổi cũng đã biết nếu sinh hoạt tình dục thì sẽ có em bé dù bài đó, cô còn chưa kịp dạy. Như vậy không thể nói các bạn sinh viên trưởng thành, có học thức lại không biết vì không được học và quay sang đổ lỗi cho nền giáo dục.

“Hơn nữa bây giờ là thời đại công nghệ thông tin phát triển rất mạnh. Không có nguồn thông tin nào bị ngăn cấm tiếp xúc. Vậy tại sao các bạn gái lại đổ cho việc thiếu thông tin để bao biện cho việc làm của mình”, TS Hương đa ra câu hỏi.

Theo TS Vũ Thu Hương, các bạn trẻ nên quan tâm mọi vấn đề của cuộc sống bên ngoài những bài giảng trên giảng đường. Sự thiếu hụt kiến thức xã hội do mải mốt ôn thi và bỏ qua những bộ môn khoa học xã hội vô cùng quan trọng như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đã dẫn đến vô vàn nhiều hệ lụy mà đôi khi các bạn không thể giải quyết nổi.

“Theo tôi, bên cạnh việc học tập trên giảng đường, nghiên cứu khoa học và làm thêm, các bạn nên quan tâm trau dồi kiến thức xã hội cho mình. Hãy tự học, tự tiến bộ thay vì trông đợi vào điều kiện sống tốt“.

Cuối cùng, giảng viên ĐH Sư phạm muốn nhắn nhủ rằng: “Nếu bạn chưa hiểu biết gì về việc làm mẹ, bạn cũng chưa đủ khả năng và chưa xứng đáng với danh xưng NGƯỜI MẸ. Vì thế, nếu thấy mình chưa đủ điều kiện, đừng hành động hồ đồ. Nếu không, bạn sẽ làm hỏng chính danh xưng đẹp đẽ đó”.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/ts-tam-ly-vu-thu-huong-dung-nguy-bien-sinh-vien-mang-bau-chiu-ap-luc-ma-lam-dieu-ac-voi-chinh-dua-con-minh-dut-ruot-sinh-3912945.html