TS.Phan Đức Hiếu: Nếu Chính phủ không thúc ép thì đâu là động lực để duy trì cải cách?

Theo TS.Phan Đức Hiếu, các vấn đề cải cách đều xuất phát từ sự quyết liệt của Chính phủ mà chưa có một bộ ngành nào chủ động đề xuất. 'Nếu Chính phủ không yêu cầu nữa thì sao? Khi đó, đâu là động lực để duy trì cải cách?'

TS.Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Ảnh: DĐDN

Tại hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 15.1, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho hay, thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hóa, kéo theo đó là sự thay đổi phương thức kinh doanh trong nền kinh tế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, nhất là khi nhiều người vẫn còn áp dụng tư duy cũ để quản lý hoạt động kinh doanh hiện tại.

“Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này, phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại”, ông Lộc nói.

“Mặc dù có những động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước, nhưng chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động này vẫn đưa đến nhiều băn khoăn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc chia sẻ thêm.

Vẫn còn lúng túng trong quản lý

Chủ tịch VCCI nêu ví dụ mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khá cao đến hơn 50% nhưng vẫn thấy tính hình thức, đối phó. Trong đó, nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ (yêu cầu phương án kinh doanh từ có 4 nội dung còn 2 nội dung), nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ trong đợt rà soát này…

“Những văn bản được ban hành trong năm 2018 lại tồn tại rất nhiều quy định về bất cập về thủ tục hành chính, không có tính cải cách (thiếu minh bạch, thời gian thủ tục kéo dài, phương thức thực hiện vẫn là truyền thống)”, ông nói.

Cũng theo ông Lộc, việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành. Nhà nước vẫn giữ độc quyền kiểm tra đối với một số loại sản phẩm hàng hóa mà có thể trao quyền cho tư nhân thực hiện được.

“Ngay cả khi đã chỉ định cho tư nhân tham gia vào hoạt động này thì cơ chế chỉ định vẫn còn nhiều vấn đề (chưa tạo ra cơ chế bình đẳng, việc chỉ định dễ tạo ra cơ chế độc quyền cho một số doanh nghiệp)”, ông Lộc nêu.

Theo ông Lộc, việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng.

“Thực tế thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp, và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này”, ông nhấn mạnh.

Chưa bộ ngành nào đề xuất cải cách

Theo TS.Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong cải cách pháp luật kinh doanh hiện nay có 2 thách thức rất lớn.

Thứ nhất là tất cả các cải cách đều xuất phát từ sự quyết liệt của Chính phủ mà chưa có một bộ ngành nào chủ động đề xuất cải cách, bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà mình đang nắm giữ. “Nếu Chính phủ không yêu cầu nữa thì sao? Động lực cải cách sẽ mất đi. Khi đó, đâu là động lực để duy trì cải cách?”

Thứ hai là việc kiểm soát chất lượng của các quy định về các điều kiện kinh doanh được ban hành mới. “Ai dám đảm bảo từng ấy nghị định trong năm 2019 sẽ tốt hơn năm 2018? Tôi chứng kiến rất nhiều điều kiện kinh doanh đang được bộ này bãi bỏ thì bộ kia lại đưa vào. Vậy điều gì đảm bảo chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành?”.

“Một nghị định dày 30 trang chỉ có 2 điều về điều kiện kinh doanh thôi, còn lại là vô số phương thức quản lí khác. Nếu không phải điều kiện kinh doanh thì đương nhiên các quy định này không thuộc đối tượng cắt giảm. Xin hỏi: Những quy định đấy có ràng buộc, hạn chế doanh nghiệp không? Như vậy, ta mới làm được 2 việc rất nhỏ là điều kiện gia nhập thị trường và kiểm tra chuyên ngành, còn vô số ràng buộc khác thì chưa. Đây là thách thức rất lớn”, ông Hiếu nói.

Để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2019 đi vào thực chất, ông Hiếu cho rằng Chính phủ cần thay đổi cách tiếp cận cải cách điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, Chính phủ nên chỉ đạo bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp mà không cần tranh cãi. Ví dụ như điều kiện tập huấn bởi cơ quan quản lý nhà nước, cấp chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm làm việc…

“Tại sao một cơ quan nhà nước lại cấp chứng chỉ hành nghề? Tại sao cứ phải có 3 năm kinh nghiệm mới được làm quản lý?”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng đề nghị bãi bỏ tất cả quy định giới hạn về thời gian. "Ví dụ chứng chỉ hành nghề, có những loại chứng chỉ chỉ có giới hạn trong thời gian 5 năm. Vậy nếu sau 5 năm tôi không được gia hạn thì điều gì xảy ra? Quy định này khiến doanh nghiệp gặp quá nhiều rủi ro. Quy định như vậy thì đừng hỏi doanh nghiệp Việt Nam vì sao không chịu lớn, vì sao doanh nghiệp không đầu tư dài hạn?”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông, các bộ cũng không nên chọn cơ quan tham mưu chủ trì xây dựng chính sách là cơ quan thực thi chính sách. Bên cạnh đó họ cần đầu tư cho công tác làm chính sách, nâng cao năng lực cho bộ phận làm chính sách.

“Thử hỏi cán bộ làm trong lĩnh vực nào là nghèo nhất? Tôi tin rằng cán bộ nghèo nhất là cán bộ làm chính sách. Việc đầu tư cho bộ phận làm chính sách phải tương đương như việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng”, ông Hiếu nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/tsphan-duc-hieu-neu-chinh-phu-khong-thuc-ep-thi-dau-la-dong-luc-de-duy-tri-cai-cach-105428.html