TS. Phan Đức Hiếu: Cải thiện môi trường kinh doanh giúp DN tăng sức cạnh tranh, sống 'khỏe' hơn

Chương trình cải cách về môi trường kinh doanh của Chính phủ hướng đến thứ cần cho doanh nghiệp (DN) là cắt giảm chi phí, thời gian tuân thủ… giúp DN nâng cao sức cạnh tranh và 'sống' khỏe mạnh hơn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý lớn cho đến thúc đẩy thực thi các giải pháp cụ thể. Đồng thời năm 2020 được nhận định là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương để làm rõ vấn đề trên.

TS. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

TS. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Để có được kết quả khả quan cho cả nền kinh tế với sự công bằng cho tất cả các đối tượng đầu tư, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế thì cải cách thể chế vẫn là điểm mấu chốt. Vậy ông có đánh giá gì về những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong thời gian qua?

Tôi đánh giá rất tích cực về chương trình cải cách về môi trường kinh doanh của Chính phủ. Đồng thời, chương trình hướng đến thứ cần cho doanh nghiệp (DN) là cắt giảm chi phí, thời gian tuân thủ… giúp DN nâng cao sức cạnh tranh và “sống” khỏe mạnh hơn.

Theo số liệu khảo sát từ VCCI, có nhiều kết quả tích cực được ghi nhận, DN cảm nhận thực sự môi trường kinh doanh về hầu hết các chỉ số, lĩnh vực. Điều này ko chỉ tác động thực tế đối với DN mà đánh giá khách quan của tổ chức quốc tế cũng ghi nhận, ví dụ như tốc độ cải cách tốt hơn các nước khác thể hiện bởi sự tăng hạng. Chỉ số về xếp hạng cho thấy trong nỗ lực cải cách đã tốt hơn. Hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều có sự tăng hạng, cho thấy cải cách mạnh mẽ hơn nhiều nước khác. Duy nhất có điểm số về môi trường kinh doanh tụt một hạng.

Tuy nhiên, thứ hạng chỉ là một phần nhưng đánh giá cao nhất là cảm nhận thực sự của DN. Với kết quả điều tra của VCCI, có những chỉ số rất đáng khích lệ như họ cảm nhận tích cực hơn về cán bộ giải quyết trực tiếp các thủ tục ví dụ như năng lực tốt hơn, thái độ tích cực hơn… ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong việc giải quyết hồ sơ, giấy tờ. Chi phí chính thức giảm nhưng vẫn cao nhưng ít nhất là giảm so với năm ngoái.

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù chúng ta có cả quá trình cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng cho đến nay kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn?

Theo tôi đánh giá tích cực hơn không chỉ ở kết quả tích cực mà ở chỗ nếu không có chương trình cải cách này thì rõ ràng môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu hơn rất nhiều so với hiện nay.

Việc cắt giảm chi phí, thời gian tuân thủ… giúp DN nâng cao sức cạnh tranh và “sống” khỏe hơn.

Bên cạnh đó, còn có sự chuyển biến về mặt thái độ, chủ động thích cực. Trước đây khi nói về cải cách, thường thì phản ứng không tích cực từ các cơ quan có liên quan là nhiều như những chỉ số, đánh giá này có đáng tin cậy không hoặc như chúng tôi đang làm rất tốt, tại sao lại ghi nhận không tốt… nhưng dần dần tâm lý ấy không còn nữa. Gần đây, cải cách về cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có những bộ, ngành chủ động cắt giảm lần thứ hai như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Tính chủ động này có nghĩa là tư duy về cải cách đã bắt đầu thay đổi từ việc làm theo lệnh của Chính phủ đến tự thân vận động.

Tuy nhiên, cái chưa đạt so với kỳ vọng là xuất phát từ các nguyên nhân. Bởi một số vấn đề cải cách không thể cải thiện được nếu chỉ có sự nỗ lực của một cơ quan. Đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan không chỉ là sự phối hợp, hợp tác trong công việc mà đòi hỏi sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý.

Như vậy, những cải cách sắp tới đòi hỏi một sự phối hợp, chuyển động và thay đổi đồng đều của các cấp, các bộ, hay kiểm tra trách nhiệm chuyên ngành. Ví dụ, rất nhiều sản phẩm tương tự nhau được phân chia bởi sự quản lý chất lượng của nhiều bộ ngành. Nếu chúng ta ghép quản lý chất lượng chuyên ngành vào một đầu mối, một bộ chịu trách nhiệm thì đòi hỏi thay đổi cả hệ thống luật pháp, cả về chức năng, đòi hỏi tất cả các bộ ngồi lại với nhau và thống nhất mới có thể làm được.

Vẫn còn một số ý kiến cho rằng việc chậm cải cách còn có lý do về lợi ích của bộ ngành, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Hiện nay không có bằng chứng về điều này, nhưng cũng không thể phủ nhận không có việc đó. Nhưng lý do quan trọng trong việc cải cách này một phần do năng lực cán bộ quản lý có hạn. Hiện nay sự thay đổi của pháp luật đòi hỏi thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin mới, phương thức quản lý mới. Ví dụ, họ đang thực hiện theo thói quen quản lý cũ. Nếu bây giờ thay đổi cách quản lý mới, họ lo lắng về rủi ro rằng: cái mới có tốt hơn không, hay xấu hơn? Nếu xấu hơn thì họ gánh chịu toàn bộ những rủi ro liên quan đến công việc, nên có tâm lý chung là thà rằng để cái cũ thì vẫn có thể kiểm soát được.

Cách thức vận hành trong cơ quan nhà nước thường có tâm lý như vậy nên ngại sự thay đổi và lo lắng về rủi ro trong thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp họ mong muốn có sự thay đổi nhưng luôn có tâm lý thay đổi kèm theo rủi ro. Vì vậy, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, có một cơ chế để đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho hoạt động công vụ, khuyến khích họ thực sự sáng tạo hiện nay rất cần thiết. Rõ ràng, ngoài lợi ích cài cắm thì cơ chế thực sự để cho cán bộ tự nâng cao năng lực, chấp nhận rủi ro, đưa những sáng tạo vào hoạt động cần phải được quan tâm.

Lê Thanh Tùng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ts-phan-duc-hieu-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-huong-den-thu-doanh-nghiep-can-d169246.html