TS Nguyễn Văn Đáng: 'Nói Việt Nam 'xâm lược' Campuchia là máy móc và thiển cận'

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, khi nói Việt Nam 'xâm lược' Campuchia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chỉ đề cao nguyên tắc thể chế mà không chú ý đến các giá trị phổ quát, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của những người dân đang phải sống dưới chế độ Polpot.

TS Nguyễn Văn Đáng

TS Nguyễn Văn Đáng

Những ngày qua, dư luận trong nước “dậy sóng” trước quan điểm của ông Lý Hiển Long - Thủ tướng Singapore, về hành động can thiệp quân sự của Việt Nam vào Campuchia năm 1979.

Đã có những tranh cãi trái chiều xung quanh phát ngôn của ông Lý về sự kiện 40 năm trước. Để góp một góc nhìn nhằm làm sáng tỏ các tranh cãi trên, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đáng (Trường Quản lý nhà nước Mark O Hatfield – Đại học Portland State, Hoa Kỳ).

- Ông Lý Hiển Long dùng chữ “invasion” (xâm lược) để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia năm 1979. Bản chất từ này nên hiểu thế nào?

TS Nguyễn Văn Đáng: Giới nghiên cứu và ngoại giao sử dụng nhiều từ khác nhau để mô tả việc quân đội nước này tiến vào lãnh thổ nước khác. Việc dùng từ nào phải dựa vào tính chính đáng về chính trị của hành vi can thiệp quân sự.

Theo đó, một hành động can thiệp quân sự quốc tế sẽ được đánh giá là chính đáng, tức là không bị coi là xâm lược, nếu hành động đó: tuân thủ luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại; phù hợp với các quan niệm, giá trị chính trị và đạo đức phổ quát của cộng đồng; và có được sự đón nhận và ủng hộ của người dân sở tại. Ta sẽ phân loại được các hành vi can thiệp quân sự quốc tế như sau:

Giải phóng (Liberation) là hành động can thiệp quân sự phù hợp với các giá trị và quan niệm đạo đức phổ quát, đáp ứng sự mong mỏi chính đáng của chính quyền và đa số người dân nước sở tại, giúp họ thoát khỏi ách chiếm đóng, cai trị phi lý của một lực lượng nào đó. Ví dụ, Liên Xô và khối đồng minh giải phóng châu Âu khỏi phát xít Đức.

Xâm chiếm (Invasion) là hành vi sử dụng sức mạnh quân sự để cưỡng chiếm lãnh thổ. Tuy nhiên, bản thân hành vi cưỡng chiếm sẽ có hai cách hiểu khác nhau. Nếu quốc gia này đưa quân đội vào nước khác, bất chấp sự phản kháng của chính quyền và người dân nước sở tại thì sẽ bị coi là xâm lược. Ví dụ, Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, phát xít Đức xâm lược các nước châu Âu những năm 1940. Nhưng nếu hành vi cưỡng chiếm đó hướng đến mục đích chính đáng, đáp ứng sự mong mỏi của đa số người dân nước sở tại thì sẽ không bị coi là xâm lược. Ví dụ điển hình là cuộc đổ bộ Normandy (Normandy Invasion) thời thế chiến II mà qua đó quân đội Mỹ cùng đồng minh tấn công vào các nước châu Âu, góp phần giải phóng các nước này khỏi sự thống trị của phát xít Đức.

Chiếm đóng (Occupation) là việc quân đội nước ngoài dựa vào sức mạnh cưỡng chế để chiếm giữ lãnh thổ của quốc gia khác, không được sự đồng thuận của chính quyền và người dân nước sở tại. Ví dụ, quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau thế chiến II, trước khi ký hiệp ước đồng minh và hợp tác với chính quyền mới của Nhật Bản.

Triển khai quân (Deployment of troop) là hành vi di chuyển quân đội nước này đến nước khác, phù hợp luật pháp, được chính quyền và người dân nước sở tại chấp nhận và ủng hộ. Ví dụ, triển khai quân đội của Liên hợp quốc đến gìn giữ hòa bình tại châu Phi hoặc quân đội Mỹ triển khai ở Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi giữa các nước này ký kết các hiệp định an ninh.

Đồn trú (Stationing) là việc quân đội nước ngoài được chính quyền nước sở tại cho phép đóng quân lâu dài trên lãnh thổ của họ. Việc này nhận được sự ủng hộ của dân chúng nước đó. Ví dụ, quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi các nước này có hiệp định an ninh và hợp tác quân sự, trở thành đồng minh.

- Một số ý kiến cho rằng ông Lý Hiển Long dùng từ “invasion” là đúng bản chất của sự việc, tuy nhiên nhiều ý kiến lại phản đối. Quan điểm của ông thế nào?

Để hiếu chính xác ý diễn ngôn của từ "invasion" mà ông Lý sử dụng, cần phân tích văn bản bài phát biểu chính thức của ông ấy tại đối thoại Shangri-La 2019.

Theo đó, ông Lý đã dùng từ "invade" theo hàm ý xấu của từ này, đánh đồng hành động của Việt Nam với hành động của đế quốc Nhật Bản thời thế chiến II.

Ông Lý dùng từ “invade” để viện dẫn việc Nhật Bản xâm lược các nước Đông Dương năm 1941 và sau đó là đề cập việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia hồi cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Ý của ông Lý nhất quán với quan điểm của Singapore mấy chục năm nay, thể hiện gần đây nhất trong bài phát biểu của phó thủ tướng Wong Kan Seng tại đối thoại Shangri-La năm 2011.

Cụ thể, chủ yếu dựa trên các cơ sở pháp lý và quyền chủ quyền quốc gia, Singapore khẳng định sự chính danh của chính quyền Polpot. Việc lực lượng bên ngoài can thiệp bằng sức mạnh vào Campuchia là hành động không chính đáng. Họ coi sự can thiệp như vậy là vi phạm luật pháp và quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Do đó, hành vi can thiệp quân sự của Việt Nam được nhắc đến với hàm ý tiêu cực (invasion – xâm lược).

Đây là một quan điểm đề cao thể chế chính trị - pháp lý một cách máy móc và thiển cận, phớt lờ thực tế. Chính bởi vậy mà quan điểm đó bị dư luận Việt Nam và Campuchia phản ứng.

- Vì sao lại là quan điểm máy móc và thiển cận?

Như đã nêu ở trên, tuân thủ luật pháp chỉ là một thành tố tạo nên sự chính đáng cho hành vi can thiệp quân sự. Thực tế, bản thân luật pháp không bao giờ bao chứa hết được thực tiễn chính trị đa dạng. Việc thực thi luật pháp quốc tế lại phụ thuộc rất lớn vào vị thế của mỗi quốc gia.

Khi ông Lý và phía Singapore dùng từ “invasion” để nói về việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, ông ấy chủ yếu đề cao khía cạnh luật pháp, quyền chủ quyền và quyền tự quyết của mỗi quốc gia, dân tộc. Quan điểm này đã không đặt mình vào vị trí người dân Việt Nam và Campuchia thời điểm đó để đánh giá hành vi can thiệp quân sự.

Những người dân đang phải sống dưới một chế độ quái dị, bị tàn sát hẳn nhiên sẽ mong đợi và ủng hộ cho một hành động can thiệp giúp giải thoát họ. Khi đặt mình vào vị trí những người dân như vậy thì yếu tố pháp lý hay chủ quyền cho hành động can thiệp không còn là yếu tố đầu tiên.

Thay vào đó, một hành động can thiệp quốc tế sẽ được coi là chính đáng, được mong đợi, không bị coi là xâm lược khi hành động đó đáp ứng đúng nhu cầu và nguyện vọng của số đông dân chúng nước sở tại. Cụ thể ở đây là giúp giải thoát người dân Campuchia khỏi một chế độ phi nhân tính, vi phạm tất cả các giá trị phổ quát của nhân loại.

- Đâu là hạn chế trong quan điểm của Singapore, thể hiện qua phát biểu của ông Lý?

Hiện nay, cơ sở đầu tiên cho sự chính danh chính trị của hành động can thiệp quân sự quốc tế (để không bị coi là xâm lược) là luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại. Tuy nhiên, pháp lý chỉ là một yếu tố tạo nên tính chính đáng cho sự can thiệp.

Nói cách khác, sự chính đáng, đúng đắn của hành động can thiệp quốc tế còn phụ thuộc vào sự đánh giá và mức độ đón nhận của người dân nước sở tại. Khi một chính quyền giết hại hơn 2 triệu công dân của nước mình, gây chiến và giết hại cả người dân nước lân bang, thì tự nó đã xóa bỏ tính chính danh trong con mắt của đa số dân chúng. Bởi thế, việc xóa bỏ một chính quyền như vậy là một hành động chính đáng, xét về mặt đạo đức và các giá trị phổ quát.

Singapore thiên về đề cao khía cạnh thể chế chính trị - pháp lý. Họ coi một hành động can thiệp bên ngoài lãnh thổ mà chưa được phê chuẩn bởi các thể chế quốc tế và luật pháp nước sở tại là hành động xâm lược. Một quan điểm như vậy là chưa đầy đủ về bản chất hành vi can thiệp quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay các thể chế quốc tế chịu sự chi phối của các nước lớn. Bản thân sự tuân thủ luật pháp là chưa đủ để bảo đảm tính chính danh cho sự can thiệp.

Như phân tích trên đây, thực tế cuộc sống rất đa dạng mà các thể chế chính trị - pháp lý luôn bộc lộ hạn chế. Do đó, sự đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân nước sở tại, được họ chấp nhận và ủng hộ, chính là bảo chứng cho sự chính danh của sự can thiệp quốc tế.

Hạn chế trong quan điểm của Singapore là họ chỉ đề cao nguyên tắc thể chế mà không chú ý đến các giá trị phổ quát, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của những người dân đang phải sống dưới chế độ Polpot.

- Theo ông, vì sao một chính trị gia lão luyện như ông Lý Hiển Long lại phát ngôn như vậy?

Rất khó để nhận định đâu là mục đích khi ông ấy nói vậy. Xét tình huống thì hai lần ông ấy nhắc đến sự việc thì đều là nhắc lại quá khứ. Có lẽ ông ấy muốn thể hiện sự nhất quán về quan điểm của Singapore từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc dùng từ ngữ theo một lăng kính chủ quan thiển cận sẽ gây ra những hệ lụy không tốt liên quan đến hình ảnh của ông ấy và Singapore trong dư luận Việt Nam và Campuchia.

- Những ngày qua, phía Campuchia đã phản ứng rất dữ dội với phát ngôn của ông Lý Hiển Long. Tuy vậy, phản ứng của Việt Nam lại có phần mềm mỏng. Ông đánh giá như thế nào về cách hành xử của Việt Nam?

Tôi cho rằng phản ứng của Việt Nam như vậy là phù hợp. Bởi xét đến cùng, mỗi cá nhân và mỗi quốc gia đều có quyền tự do đưa ra quan điểm riêng của mình. Không thể dùng một sức mạnh cưỡng ép nào để buộc cá nhân ông Lý hay Singapore phải thay đổi quan điểm.

Nhưng phản ứng của dư luận và chính phủ Việt Nam sẽ giúp họ nhận ra, quan điểm bấy lâu của họ về sự can thiệp của Việt Nam vào Campuchia không phản ánh đúng bản chất hành động can thiệp của Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục một quan điểm như vậy sau bốn thập kỷ sẽ không có lợi cho quan hệ giữa hai nước nói riêng và sự đoàn kết của khối ASEAN nói chung.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xuân Hải

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ts-nguyen-van-dang-noi-viet-nam-xam-luoc-campuchia-la-may-moc-va-thien-can-20180504224224695.htm