TS Nguyễn Thị Hiệp đoạt Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới

Cùng với 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi đến từ các quốc gia, ngày 21/3, tại thủ đô Paris (Pháp), Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đã được trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới.

Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oreál và UNESCO. Đây là lần thứ 2 Việt Nam có nhà khoa học nữ được vinh danh ở giải thưởng này. Trước đó là TS Trần Hà Liên Phương (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận giải vào năm 2015.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới

TS Nguyễn Thị Hiệp sinh năm 1981, đã có nhiều đóng góp về nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Chị tốt nghiệp cử nhân Hóa học tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, TS Nguyễn Thị Hiệp trở về nước làm giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh tại trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM).

15 nhà khoa học nữ dưới 40 tuổi từ các quốc gia đã được Quỹ L’Oreál và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới

TS Nguyễn Thị Hiệp đã có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, chị đã được trao giải quốc gia "Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng năm 2016 của L’Oreal - UNESCO". Năm 2017, chị tiếp tục giành giải Nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ vì có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

Mẹ đẻ và chồng cùng TS Nguyễn Thị Hiệp tới Paris (Pháp) nhận giải thưởng

Năm nay, với công trình nghiên cứu loại keo có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo tế bào, chị đã được Quỹ L’Oreál và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới. Trao đổi về công trình nghiên cứu này của mình, TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết: "Cần phải có những giải pháp hay cách cứu chữa kịp thời, để xử lý nguy cơ máu chảy ồ ạt. Thực tế cho thấy, người dân ở nông thôn không biết cách khâu vết thương vì vậy cần phải có cách nào đó để cầm máu tức thì. Trong trường hợp đó, họ có thể mua keo cầm máu để ở nhà và dùng khi cần thiết, sau đó đến trạm xá hay bệnh viện để chữa. Yêu cầu đặt ra là loại keo dán này phải tương hợp sinh học, tốt cho cơ thể như một loại mô của cơ thể và chống lại vi khuẩn cũng như giúp cho quá trình tái tạo hay lành vết thương nhanh hơn".

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông L'Oreál Việt Nam (trái) và TS Nguyễn Thị Hiệp tại lễ trao giải

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông của L'Oreál Việt Nam, trong suốt 20 năm qua, Giải thưởng của Quỹ L’Oreál và UNESCO đã tạo điều kiện để những nhà khoa học trên khắp thế giới có thể giới thiệu những công trình nghiên cứu góp phần xây dựng cuộc sống hiện đại hơn và giải quyết những thách thức đối với sức khỏe của con người. Giải thưởng của Quỹ L’Oreál và UNESCO có mục đích đề cao những tấm gương của các nhà khoa học nữ, khuyến khích họ theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Bởi họ đang đóng góp xuất sắc vào lĩnh vực phát triển bền vững và sinh thái, vật lý, dược học, dịch tễ học, nghiên cứu y học, khoa học thần kinh và sinh học tiến hóa.

Minh Tuấn - Đinh Linh (từ Paris, Pháp)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/ts-nguyen-thi-hiep-doat-giai-thuong-nha-khoa-hoc-tre-tai-nang-the-gioi-post40166.html