TS. Nguyễn Thành Sơn: Chỉ cần 74 dòng excel là minh bạch được lý do phải tăng giá điện

Trước đây EVN lý luận là tăng để bù giá, nhưng bù thế nào thì thiếu minh bạch. Chúng ta có khoảng 70 nhà máy phát điện và 4 công ty phụ trách truyền tải loại lớn tham gia thị trường, chỉ cần liệt kê trong 74 dòng excel thì minh bạch ngay.

TS. Nguyễn Thành Sơn

TS. Nguyễn Thành Sơn

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên trưởng ban chiến lược Tập đoàn Than và Khoáng sản, chuyên gia bộ môn quản lý năng lượng, Đại học Điện lực Hà Nội nhận định về bất hợp lý này với TheLEADER.

Ông nhận định thế nào về thực trạng giá năng lượng tại Việt Nam hiện nay?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Thực ra khi so sánh một cách cùng bậc, nghĩa là so sánh với những nước có GDP bình quân đầu người ngang mình thì giá điện Việt Nam hiện nay thấp hơn khoảng 6 – 7%, giá xăng thấp hơn một chút nhưng đặc biệt giá dầu diesel thì thấp hơn đến 20%.

Trong khu vực, nếu so với Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia là những nước có mức thu nhập cao hơn thì giá năng lượng tại Việt Nam là quá thấp. Quá thấp nên có lúc dẫn đến nạn buôn lậu. Người ta mang dầu diesel ra ngoài khơi bán.

Giá điện thấp cũng là lý do các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Việt Nam. Thép, xi măng, hóa chất đều là những lĩnh vực rất tốn năng lượng. Nhưng giá điện năng ở Việt Nam quá rẻ cho nên người ta mới đến đầu tư.

Nhiều người dân không hài lòng với việc tăng giá điện. Dưới góc độ một chuyên gia, tại sao ông lại có quan điểm ngược lại?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2018, GDP của Việt Nam là khoảng 245 tỷ USD. Trong khi đó, theo báo cáo của EVN thì sản lượng điện bán ra của EVN là 192 tỷ. Có nghĩa là, với 1kW điện ở Việt Nam, chúng ta chỉ làm ra được 1,3 USD trong khi con số này ở thế giới là 3,3 USD. Đây là mức bình quân trung bình thế giới chứ chưa nói các nước phát triển cao.

Điều đó cho thấy, việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện hay kể cả diesel ở Việt Nam là cực kỳ không hiệu quả, cực kỳ lãng phí. Trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã động viên tiết kiệm nhiều nhưng chương trình tiết kiệm của Bộ năng lượng coi như vô nghĩa, không ai làm theo cả.

Chính vì thế nên bây giờ chỉ còn cách sử dụng phương pháp thị trường thôi, tức là bằng chính sách giá. Chỉ có nâng giá lên thì người dân mới sử dụng hiệu quả điện được, hiệu quả xăng dầu được.

Nếu bây giờ chúng ta để giá xăng rẻ như giá nước, thì không ai tiết kiệm cả. Không có một nước nào phát triển được với nền năng lượng như Việt Nam hiện nay, rất kém hiệu quả, rất lãng phí.

Tại sao giữa cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân lại có quan điểm trái ngược như thế, thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Vấn đề ở đây là truyền thông. Chúng ta đừng nói nhiều quá về giá năng lượng cao, mà chúng ta phải truyền thông nhiều hơn về lãng phí năng lượng, về hiệu quả sử dụng năng lượng thấp để cho người dân hiểu. Bởi sản phẩm năng lượng là sản phẩm rất quý, nhưng người Việt Nam mình lại rất coi thường.

Nếu trong thời gian tới Việt Nam không tăng giá điện thì hệ quả dẫn tới tiếp theo trong tương lai gần là gì thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Hệ quả thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) họ sẽ gào lên. Thực ra EVN họ gào thì cũng đúng thôi, nhưng họ gào không đúng cách. Vì thế, nếu bây giờ nếu tôi là EVN, tôi sẽ minh bạch luôn giá mua vào, giá bán ra để biết được rằng cần phải nâng lên bao nhiêu. Bây giờ người ta nói rất mù mờ. Bản thân tôi rất ủng hộ việc tăng giá điện nhưng không đồng tình với cách tăng giá điện, cách giải trình của EVN.

Nếu không tăng giá điện thì sức hút của đầu tư vào ngành điện sẽ không còn nữa. Bây giờ Nhà nước không đầu tư nữa rồi. Trước đây EVN lý luận là tăng lên để bù giá. Tôi cho rằng lí do đó phải xem lại vì bù giá phải minh bạch.

Tại sao chúng ta chưa thể minh bạch trong quá trình truyền thông để người dân có thể hiểu?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Bởi vì người ta càng minh bạch thì càng khó quản lý, càng dễ bị lộ chân tướng.

Thực ra minh bạch rất dễ. Chúng ta có khoảng 70 nhà máy phát điện đang tham gia thị trường. Chỉ cần liệt kê trong 70 dòng excel thì minh bạch ngay. Chúng ta có 4 công ty phụ trách truyền tải loại lớn, cũng lại thêm bốn dòng excel. Một đằng mua bao nhiêu, một đằng bán bao nhiêu theo từng năm thì biết ngay là giá nó như thế nào, lỗ hay lãi ngay.

Xin có ý kiến gì về vấn đề đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua và trong tương lai?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Tôi cho rằng cái vướng mắc nhất của năng lượng tái tạo hiện nay, đặc biệt năng lượng mặt trời là nó làm cho hệ thống điện của chúng ta vận hành không ổn định. Trong hệ thống điện chung của một quốc gia thì năng lượng tái tạo mới, đặc biệt là năng lượng mặt trời có độ bất ổn định rất lớn. Đây là điều cả thế giới đã công nhận, đại học năng lượng Moscow cũng đã công nhận.

Chính điều này làm cho hệ thống điện của chúng ta vận hành không ổn định. Hệ thống điện Việt Nam hiện nay là hệ thống hợp nhất từ Bắc tới Nam. Nếu chỉ một phần tử không ổn định thì EVN sẽ rất khó khăn trong việc duy trì ổn định. Chưa kể hiện nay, chênh lệch công suất trung bình giữa cực đại và cực tiểu của chúng ta là 2,5 lần. Nghĩa là, nếu thêm 1 kW công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5 kW để bù cho cái sự phập phù của năng lượng gió, năng lượng mặt trời này.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thư

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ts-nguyen-thanh-son-chi-can-74-dong-excel-la-minh-bach-duoc-ly-do-phai-tang-gia-dien-1552972365570.htm