TS Nguyễn Sĩ Dũng: 'Bộ trưởng Hà cảm nhận rõ điều đó!'

Sau đề xuất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không kiêm nhiệm làm đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng có góc nhìn về vấn đề này. PLO trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh không nên làm đại biểu Quốc hội, mà nên dành ghế cho các vị đại biểu chuyên trách.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà hôm 29-10 nói không nên để bộ trưởng, chủ tịch tỉnh làm đại biểu Quốc hội. Ảnh: TN

Bộ trưởng Trần Hồng Hà hôm 29-10 nói không nên để bộ trưởng, chủ tịch tỉnh làm đại biểu Quốc hội. Ảnh: TN

Xét từ góc độ quản trị thời gian, đây là một ý kiến hoàn toàn hợp lý. Ở ta, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không chỉ là một chính khách mà thực sự còn là một quan chức điều hành. Ngoài việc xây dựng thể chế, họ còn phải chịu trách nhiệm thực thi chính sách, pháp luật. Mà như vậy thì công việc của họ sẽ nhiều gấp ba, bốn lần so với các vị bộ trưởng, tỉnh trưởng chỉ làm chính khách như ở nhiều nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, các bộ trưởng, tỉnh trưởng có nên làm đại biểu Quốc hội hay không lại phụ thuộc vào mô hình thể chế của một quốc gia hơn là vào việc quản trị thời gian. Ví dụ, trong mô hình thể chế tổng thống (như ở Mỹ), các bộ trưởng chắc chắn không thể đồng thời làm đại biểu Quốc hội. Thế nhưng trong mô hình đại nghị (như ở Anh), về cơ bản các bộ trưởng đều là nghị sĩ.

Vấn đề là ở Việt Nam, chúng ta đang vận hành thể chế theo mô hình nào? Theo mô hình nào chưa biết nhưng chắc chắn không phải là theo mô hình thể chế tổng thống, cũng không phải là theo mô hình thể chế đại nghị.

Kể từ khi bắt đầu đổi mới năm 1986, ở nước ta, rất nhiều cải cách về thể chế đã được tiến hành. Tuy nhiên, những cải cách về thể chế được tiến hành chậm hơn nhiều so với những cải cách về kinh tế. Về cơ bản, đến nay chúng ta vẫn đang vận hành thể chế theo mô hình Xô Viết.

Trong mô hình này, chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Mà như vậy thì cơ cấu của các vị đại biểu Quốc hội có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việc thể chế hóa sẽ chính danh hơn và hợp pháp hơn khi Quốc hội có được đại diện của đầy đủ tất cả thành phần của xã hội và chính quyền. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh được cơ cấu làm đại biểu Quốc hội là vì lý do trên. Các quan chức hành chính cũng được cơ cấu làm đại biểu cũng là vì lý do trên.

Tuy nhiên, trong mô hình thể chế Xô Viết, việc thể chế hóa thường diễn ra rất nhanh chóng. Thông thường Xô Viết tối cao (hay Quốc hội) chỉ họp 4-5 ngày/năm, nhờ vậy việc kiêm nhiệm (kiêm nhiệm làm đại biểu Quốc hội) không lấy đi của các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh quá nhiều thời gian.

Vấn đề đặt ra là tuy chưa thay đổi hệ chuẩn nhưng trong quá trình đổi mới, nhiều kinh nghiệm của nghị viện nước ngoài đã được áp dụng cho Quốc hội nước ta.

Đặc biệt là các kỳ họp của Quốc hội đã được kéo dài đến2-3 tháng/năm. Điều này làm cho việc kiêm nhiệm làm đại biểu Quốc hội tạo ra một áp lực quá lớn về thời gian không chỉ cho các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh mà còn cho cả các quan chức Đảng và Nhà nước khác.

Hơn ai hết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm nhận rất rõ điều đó!

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/ts-nguyen-si-dung-bo-truong-ha-cam-nhan-ro-dieu-do-867211.html