Ts Nguyễn Hoàng Ánh: Không ngờ nhiều người 'tên tuổi', 'đáng kính' lại quấy rối tình dục

Theo chia sẻ của PGS, Ts Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tại Tọa đàm 'Metoo, and You?' được tổ chức ngày 28/4, từ trải nghiệm của bản thân bà cũng như qua lời kể của bạn bè, học sinh, bà biết nhiều người 'tên tuổi' rất 'kinh khủng', vốn được xem là rất đáng kính nhưng lại làm những chuyện mà bà không bao giờ 'tưởng tượng' nổi.

 PGS Ts Nguyễn Hoàng Ánh, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ về quấy rối tình dục tại buổi tọa đàm

PGS Ts Nguyễn Hoàng Ánh, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ về quấy rối tình dục tại buổi tọa đàm

-Những ngày gần đây, trong một số status trên facebook, nhiều người từng nói đến những câu chuyện, những “cái tên” liên quan đến quấy rối tình dục. Nhưng có ý kiến cho rằng điều đó là không nên, là thiếu khoan dung, thiếu nhân văn. Còn quan điểm của bà như thế nào?

PGS, Ts Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương: Tôi cũng rất cân nhắc về chuyện này. Lịch sử bị quấy rối của tôi hơi dài dòng. Tôi vẫn nghĩ rằng mình là một người rất không may, cho đến khi đọc được những chia sẻ về chuyện này thì tôi mới biết rằng, mình là một người hoàn toàn bình thường.

Tôi vừa nhận được một cuộc điện thoại chia sẻ của một người bạn. Bạn tôi tự nhận là xấu hơn tôi rất nhiều, nhưng đã kể cho tôi những cái “tên tuổi” rất kinh khủng. Có những người tôi biết rất rõ và tôi tôn trọng rất lâu năm, những người tôi có thể coi như là cha, là chú mình, không bao giờ ngờ vực gì cả. Thế nhưng, có những chuyện mà tôi không bao giờ tưởng tượng ra. Nhưng khi nghe chuyện đó, tôi cũng nghĩ: Có nên công khai ra hay không?

Trước đây, bản thân tôi cũng đã gặp chuyện rất kinh khủng (bà Hoàng Anh suýt chút nữa thì bị cưỡng bức nếu không hành động quyết liệt - PV). Thực sự, khi là nạn nhân, mình mong muốn nhất là được vạch tên, chỉ mặt thủ phạm. Nhưng rồi nhiều năm sau, khi tôi gặp con gái của người đó, cô ấy nói về bố của mình với những lời vô cùng tốt đẹp. Đó là người mà cô ấy thần tượng. Và tôi nghĩ, tôi không bao giờ có đủ can đảm để nói thật về bố cô ấy với cô ấy. Có lẽ, đó cũng là lý do tôi không nói tên những người đó, vì sẽ rất đau khổ cho vợ con họ.

Nhưng ngược lại, khi những người đàn ông coment vào các bài viết chia sẻ về lạm dụng tình dục rằng, “có thế nào thì người ta mới làm thế”, hay “phải có sự đồng thuận…” thì tôi nghĩ, những người nói như vậy họ có vợ con không? Họ có nghĩ là con gái họ sẽ có một ngày bị như vậy không?

Cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa biết mình phải làm gì. Tôi vẫn chưa có đủ can đảm nói tên những người đó ra. Hơn nữa, tôi cũng không có bằng chứng và nó sẽ gây nên rất nhiều thị phi. Tôi cũng không có đủ can đảm nhìn vào mắt vợ, con họ. Nhưng nếu tôi không nói, sẽ có bao nhiêu người nữa phải chịu cảnh này. Đó là vấn đề không có lời giải đối với tôi.

- Đó cũng là điều giằng xé trong rất nhiều người phụ nữ và chúng ta phải cảm ơn nhiều người đã dũng cảm đã nói ra những cái tên đó. Phong trào Metoo là phong trào mọi người chia sẻ các câu chuyện liên quan đến quấy rối tình dục để tiến tới chấm dứt quấy rối tình dục, đặc biệt là ở công sở. Đây là chiến dịch của những nạn nhân bị xâm hại tình dục dám đứng lên để tố cáo những hành vi phi đạo đức này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến comment, trong đó có cả comment của các nhà báo nữ, họ đổ lỗi cho nạn nhân, có thái độ chê trách, hoặc cho rằng việc này chả đi đến đâu cả, hoặc là cho rằng chuyện nói ra như vậy là rất tệ, như là đấu tố. Bà nghĩ thế nào về phản ứng này?

Bà Nguyễn Hoàng Ánh: Lần đầu tiên bị quấy rối thì theo bản năng, tôi đi tìm những người chị hoặc những người lớn tuổi để than thở, nhưng người tốt bụng thì nói: “Em ơi, những chuyện này nhiều lắm, mày nên cẩn thận thì hơn, con gái thì phải biết giữ lấy thân.” Nếu gặp những người không thiện chí lắm thì người ta nói rằng “Ai bảo mày ăn mặc thế này thế kia, ai bảo mày đến gặp người ta khi chỉ có một mình, con gái mà dại thì ráng mà chịu đi…”

Sau đó, tôi nghe thấy lời bàn tán sau lưng: “Cứ tưởng báu lắm à, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Đến lúc không đứa nào nó trêu nữa lại chả lăn ra mà khóc.” Dần dần, tôi học một phản xạ khác là tự bảo vệ lấy mình, nếu gặp cảnh như vậy thì yên lặng giữ riêng cho mình mà thôi hoặc chỉ chia sẻ cho bạn bè thật thân thiết khi chuẩn bị đi gặp một nhân vật ABC nào đó. Và vì thế, những người đó không bao giờ bị đưa ra công lý.

Học sinh kể với tôi là thầy giáo này thầy giáo nọ đã có những hành động không phải với em đó. Tôi cũng đi tìm những người có trách nhiệm để nói thì những người đó đều nói là chẳng có bằng chứng nào cả và người ta không thể xử lý giáo viên bởi những lời xì xào. Sau đó tiếp tục từ khóa này khóa khác, sinh viên sẽ đồn thổi với nhau và tránh xa những giáo viên như vậy.

Điều này cũng như một bản án vô hình, không ai biết là những chuyện như vậy có hay không. Nhiều người lại cho rằng sau những chuyện đó, các nữ sinh viên tìm cách lợi dụng thầy để “kiếm chác”. Không chỉ chúng tôi im lặng mà sinh viên cũng dần dần im lặng. Những chuyện đó chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng và tôi rất cảm kích phong trào Metoo này, bởi muộn còn hơn không, chúng ta cần đưa việc này ra ánh sáng để lại một xã hội trong sạch, để con em chúng ta lớn lên trong một xã hội lành mạnh.

- Bà có cho rằng, rất cần một bản quy tắc, quy định rõ những hành động nào là quấy rối để nhận diện và phòng tránh?

Theo tôi, hầu hết nam giới đều có biểu hiện quấy rối tình dục, nhưng họ thực hiện điều đó một cách “vô tư”, tưởng rằng mình chỉ đang đùa vui. Thậm chí có một số người cho là mình đang thể hiện một sự tử tế với phụ nữ.

Ví dụ như khi tôi đến cơ quan và có người nhìn tôi nói: Em ơi, vòng 1 của em không thua gì tranh nọ tranh kia… Lúc đó, họ không có ý định gì với tôi. Người ta có vợ con tử tế, và tưởng câu nói đó làm tôi vui, nhưng thực sự tôi rất khó chịu. Có điều, tôi không làm sao phản ứng được, bởi người đó hơn tuổi tôi, tôi lại là người mới và hơn nữa, tất cả mọi người cho rằng đó chỉ là một lời đùa bình thường.

Hoặc trong những hoàn cảnh có chút bia rượu, liên hoan, nam giới xông ra khoác vai, cầm tay nói “hôm nay em trông xinh quá nhỉ” mà không hề nghĩ rằng mình khó chịu. Nếu lúc ấy mình quát: “Anh có bỏ tay ra không” thì sau đó, mình sẽ mang tiếng là người phụ nữ dở hơi, khó khăn, và rồi sẽ “không ai thèm ngó đến nữa”.

Cho nên, điều đầu tiên là phải có một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng. Ở Việt Nam, khẩu dâm có lẽ là kinh khủng nhất. Trong tất cả các cuộc liên hoan, tất cả đàn ông họ đều nghĩ rằng họ có quyền kể chuyện “tiếu lâm mặn”. Có lẽ chúng ta phải quy định rất rõ ràng về chuyện này.

Chúng ta cần phải có một bộ quy tắc như: Không động chạm thân thể, không được kể những câu chuyện mang ngụ ý nọ kia, không lợi dụng công việc để mời người ta vào những hoạt động mà người ta không thích. Nam giới cần được hiểu hành vi nào là quấy rối, hành vi nào là không. Có rất nhiều người làm điều đó một cách rất vô tư, thậm chí còn với “thiện chí”.

Chúng ta cũng cần phải có một sự lắng nghe với những lời phàn nàn, và không nhất thiết phải trừng trị. Nếu những lời phàn nàn còn ở mức nhẹ, thì ít nhất phải có sự nhắc nhở từ phía những người lãnh đạo. Bước thứ hai là cảnh báo nếu những lời này còn tiếp tục, bởi nếu chúng ta cứ để những điều này tiếp tục thì họ sẽ tiến đến mức cao hơn. Điều đó có thể hại cho chính họ, bởi việc nhỏ không được ngăn chặn thì họ sẽ “ăn trộm” cái to hơn, tình hình sẽ phiền toái hơn rất nhiều.

Hoàng Hải (ghi)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201804/ts-nguyen-hoang-anh-khong-ngo-nhieu-nguoi-ten-tuoi-dang-kinh-lai-quay-roi-tinh-duc-601429/