TS Ngô Trí Long: 'Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bết bát hơn'

'Không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này sau cổ phần hóa, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn', PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

PGS. TS Ngô Trí Long.

PGS. TS Ngô Trí Long.

Bàn về chủ đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng nếu nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc nhằm thoái vốn càng nhanh càng tốt thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn.

PGS.TS Ngô Trí Long cho biết so với thời điểm 2016-2017, đến nay, cổ phiếu của một số doanh nghiệp có vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực vốn rất hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại như dược phẩm, công nghiệp nhựa, bia rượu nước giải khát… đang giảm dần.

Ngoài ra, ông Long nêu ví dụ về những trường hợp cụ thể là những thương hiệu đình đám một thời nhưng đến giờ đã bắt đầu hoặc đang có dấu hiệu lụi tàn: “Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có đại gia ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu; tròn 1 năm trước lên sàn với giá 31.000 đồng/cổ phiếu; đến giờ chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay. Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ (năm 2014) xuống còn 310 tỷ theo số kế hoạch năm 2019; thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%”.

Về những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết trên thị trường chứng khoán trong trong giai đoạn từ 2017 đến nay, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định “chưa có sự thay đổi về chất”.

“Qua theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán trong hơn 3 năm qua, trong tổng số 25 tổng công ty thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 20 tổng công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.

"Số liệu trên sàn cho thấy, chỉ có 1 tổng công ty đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước (Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng), còn lại có đến 8 tổng công ty gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể. Điều đáng chú ý, tất cả những doanh nghiệp này đều có một đặc điểm chung là nhà nước vẫn đang nắm từ 80% đến 98% tổng số cổ phần”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Ông Ngô Trí Long nhận định “không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này sau cổ phần hóa, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dẫn chứng: “Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán qua cổ phần hóa và thoái vốn chỉ chiếm khoảng 7,5% của tổng số vốn nhà nước nắm giữ. Trong giai đoạn 2011 – 2016, trong số 426 doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa”.

Theo ông Ngô Trí Long, điều này đã dẫn đến một thực tế đáng quan ngại là doanh nghiệp nhà nước không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự, là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức vì tỷ lệ cổ phần nắm giữ cũng chưa quá được 35% để có tiếng nói trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Minh An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ts-ngo-tri-long-sau-co-phan-hoa-nhieu-doanh-nghiep-con-kinh-doanh-bet-bat-hon-20180504224227291.htm