TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Cần minh bạch ra Quốc hội con số thực của nợ xấu'

Tại buổi hội thảo “Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ”, TS. Lê Xuân Nghĩa yêu cầu ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo rõ ràng, minh bạch ra Quốc hội con số thực của nợ xấu khảo sát được là bao nhiêu?

Trong buổi hội thảo “Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ” do NHNN tổ chức mới đây, đã làm rõ nhiều “nút thắt” vấn đề xung quanh cần chuyện xử lý nợ xấu đang gây nhiều tranh cãi ở nước ta. Đa số ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều đồng tình rằng đây chính là thời điểm để chúng ta “mạnh tay” xử lý nợ xấu.

Nợ xấu không phải lỗi riêng của ngân hàng.

Đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Nợ xấu không phải chỉ là tội của doanh nghiệp , hay tội của ngân hàng, mà có cả lỗi của chính phủ, chính sách và quá trình phát triển của nền kinh tế. Nói một cách khách quan thì nửa “tội” dẫn tới nợ xấu là do khủng hoảng, rủi ro, còn lại nửa kia do doanh nghiệp, nhà nước, ngân hàng.

“Và đến giờ này này doanh nghiệp và ngân hàng không còn đủ sức giải quyết được nữa, mà nếu không giải quyết được thì kinh tế vĩ mô sẽ rơi vào khủng hoảng. Vì thế xử lý nợ xấu không còn là việc riêng, là “căn bệnh” riêng của chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng nữa, mà là bệnh của toàn dân”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cho biết thêm: “Hiện nay, chúng ta không có tiền và xử lý nợ xấu mà không có tiền thì chỉ duy nhất ở Việt Nam”. Nhưng chúng ta cũng đã từng xử lý nợ xấu mà không có tiền, nhưng không có tiền thì phải có cơ chế, một cơ chế phải “mạnh tay”.

Theo đó, ông Nghĩa bổ sung, “mạnh tay” ở đây là “mạnh tay” xóa nợ cho những cá nhân, doanh nghiệp bị “vỡ nợ” do yếu tố khách quan như bão, như thị trường bất lợi. “Và những trường hợp này chiếm quá nửa số nợ xấu”. Còn với những trường hợp khác thì đưa ra bàn bạc xem xét trường hợp nào ần hình sự hóa, trường hợp nào xử lý dân sự.

“Bây giờ chúng ta không có tiền thì phải có cơ chế và xử lý từ từ, dần dần, một cơ chế cho VAMC và một chơ chế cho ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Tôi mong muốn có 1 bộ luật riêng để xử lý nợ xấu (dành cho những khoản nợ xấu đến 2013) và sau khi hoàn thành nghĩa vụ, luật này sẽ không còn hiệu lực”, ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa cho rằng một trong những vấn đề cần được làm rõ: Thực sự nợ xấu hiện nay như thế nào? Yêu cầu NHNN phối hợp các TCTD, ngân hàng báo cáo rõ ràng minh bạch ra Quốc hội số nợ xấu có thể khảo sát được là bao nhiêu, còn số còn “Giấu giếm” thì báo cáo sau. Đây là đòi hỏi đầu tiên của các đại biểu Quốc hội.

Chung quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, T.S Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho biết: Đây là thời điểm chúng ta cần mạnh tay với nợ xấu, cần “làm thật” chứ không phải chỉ “nói suông”.

Ông Lực đề xuất Quốc hội xem xét tạm ứng cho VAMC từ 5 nghìn đến 10 nghìn tỷ để mua bán, thu hồi nợ xấu. Số tiền này sẽ là tiền đề để tạo ra thị trường mua bán nợ xấu, sau đó sẽ được hoàn lại khi thị trường đi vào hoạt động và có kết quả.

5 nghìn tỷ đồng làm sao xử lý được hơn 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu!

Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Sau nhiều đề xuất của các chuyên gia về việc tạo cơ chế và tiền cho VAMC cũng như các TCTD xử lý nợ xấu, ông Dương Quốc Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Để xin được 5 nghìn đến 10 nghìn tỷ xử lý nợ xấu hiện nay là rất khó và nói dùng 5 nghìn tỷ để xử lý hơn 200 nghìn tỷ nợ xấu cũng là điều không thể.

Về ý tưởng chứng khoán hóa nợ xấu, ông Quốc Anh cho rằng cũng không khả thi và như thế có khả năng làm cho thị trường nợ xấu thêm xấu.

Theo đó, ông Quốc Anh đề xuất: Trong số nợ xấu ở VAMC, chúng ta cần phân loại ra khoản nào do chính phủ bảo lãnh, chỉ định hoặc do doành nghiệp nhà nước tạo ra thì đề nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Ông Quốc Anh cũng khẳng định: Đây không còn là thời điểm để chúng ta xét tới nguyên nhân nợ xấu hay đổ lỗi tại ai. Mà phải thấy thực tế rằng cần xử lý nợ xấu ngay vì nợ xấu chình ình thì lãi suất không thể hạ, làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng lớn sự phát triển của nền kinh tế.

Có 2 yếu tố chúng ta cần làm rõ để thay đổi về nhận thức: thứ nhất đành rằng nhìn tổng thể thì là nợ xấu là của ngân hàng, nhưng nó lại được tạo ra từ doanh nghiệp. Và chúng ta không thể cứ để ngành ngân hàng tự xử lý được mà phải có sự phối hợp của cả cộng đồng.

Một trong những nhận thức cần thay đổi tiếp theo là việc luật pháp dường như đang nghiêng về việc bảo vệ khách hàng, những “con nợ” của ngân hàng hơn là bảo vệ ngân hàng, người đi cho vay, là “chủ nợ” trong trường hợp này. Và ở trong trường hợp này thì ngân hàng đúng là “cho vay thì đứng mà thu nợ thì quỳ”. Vì thế, chúng ta cần có một cơ chế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cho vay là ngân hàng chứ không phải là “con nợ”, khách hàng như hiện nay.

Về mặt pháp lý, ông Quốc Anh cho biết: Thực tiễn hiện nay chúng ta đã dùng 1 luật để sửa nhiều luật, và như thế chúng ta có thể áp dụng trong trường hợp này, có thể đáp ứng sửa đổi được mấy luật liên quan tới nợ xấu, đáp ứng về mặt cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Nguyễn Thoan

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/ts-le-xuan-nghia-can-minh-bach-ra-quoc-hoi-con-so-thuc-cua-no-xau-2127028.html