TS Lê Thẩm Dương: 'HLV Park Hang-seo giúp bóng đá Việt sang trang'

Theo TS Lê Thẩm Dương, sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo là một trong ba nhân tố quyết định khiến bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng bước sang trang mới.

Sau kỳ tích của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2017, TS Lê Thẩm Dương đã có cuộc trao đổi về chủ đề bóng đá với nhà báo Tuấn Anh. Bài viết này được đưa vào cuốn sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công (tái bản có bổ sung 2018). Được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền, Zing.vn trích đăng nội dung sách.

Lấy triết lý bóng đá vận vào đời sống và kinh doanh

- Thưa TS Lê Thẩm Dương, ông có phải là người yêu bóng đá?

- Không phải yêu mà là rất yêu. Lý do đầu tiên, thời sinh viên, tôi đá bóng khá tốt. Tôi được chọn vào đội tuyển ĐH Kinh tế Quốc dân đi đá giải với nhiều trường khác và nhờ thế mà tôi quen được một cổ động viên của trường chủ nhà ĐH Ngoại thương. Cô cổ động viên ấy bây giờ là vợ tôi.

Lý do thứ hai, trong cả cuộc đời của tôi, tôi luôn lấy triết lý bóng đá để vận dụng vào cuộc sống và kinh doanh. Triết lý bóng đá này, với tôi, đúng tuyệt đối.

Sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công tái bản sẽ phát hành ngày 12/12.

Sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công tái bản sẽ phát hành ngày 12/12.

Trong gia đình, người vợ chính là thủ môn và hai người con chính là hai hậu vệ. Hàng tiền vệ là bạn bè, họ tốt thì tiền đạo là mình mới có bóng. Hàng tiền đạo là mình hoặc vợ.

Nếu hàng tiền đạo không nhạy bén thì khi nhận được bóng từ hàng tiền vệ chắc chắn sẽ đá lên trời. Tuy nhiên, nếu cả hai tuyến tiền vệ và tiền đạo cùng tốt rồi, mà hậu phương là thủ môn và hậu vệ không chắc chắn thì vẫn thua.

Triết lý này, theo tôi, đúng tuyệt đối, từ gia đình đến quốc gia. Nếu chúng ta biết cách áp dụng nó trong cuộc sống thì chắc chắn sẽ thành công.

- Xin phép được hỏi cảm xúc của ông thế nào trước thành tích của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á?

- Cảm xúc có hai vế. Ở góc độ này, nó là nhân tố đầu tiên của sự thành công. Sự khác biệt căn bản của một lãnh đạo, thủ lĩnh trên bàn nhậu không khác biệt trong chuyên môn và điều này đã được chứng minh bằng số liệu rất cụ thể, chỉ khác biệt ở chỗ ai là người quản trị được cảm xúc của mình, tức là EQ. Nếu không quản trị được, cảm xúc ấy sẽ phá hỏng sự thông minh ở não là IQ.

Vậy bóng đá mang lại cho con người ta điều gì? Những điều mà não không thể phân tích được thì lại mang đến cho con người ta cảm xúc. Trong trường hợp của U23 Việt Nam vừa rồi, cảm xúc chia làm hai nhóm: Nhóm tích cực và nhóm tiêu cực.

Hiện tượng làm thỏa mãn con người sẽ sinh ra cảm xúc tích cực, như thành tích của U23 Việt Nam mà người Việt Nam không thích thì thật lạ. Cảm xúc nhất thời ấy tốt xấu thế nào, tôi chưa phân tích đến nhưng ít nhất về mặt kết quả, nó đã tạo ra cảm xúc tích cực và tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Khi cảm xúc tích cực đó cứ lặp lại liên tục từ trận 1, trận 2, trận 3, rồi bàn thắng 1, bàn thắng 2, bàn thắng 3… thì nó đã tạo ra tình cảm. Tình cảm chính là “xíchma” của các cảm xúc tích cực.

Theo TS Lê Thẩm Dương, thành tích của bóng đá Việt mang lại cảm xúc tích cực, biến thành tình yêu nơi người dân.

Có thể nói, U23 Việt Nam đã mang đến điều tuyệt vời nhất của cảm xúc. Cảm xúc này nếu xét ở góc độ tích cực đang mang đến sự tích cực cho mọi người.

Hiện tượng bóng đá lần này đã mang đến cảm xúc cho người hâm mộ nhưng cao hơn nữa, nó đã lặp lại, biến thành tình cảm đến mức nó chi phối hành vi của con người. Nó cũng giống tình yêu nam nữ vậy. Tôi từng nghe nói rằng: Tình yêu là mù quáng và khi hết mù quáng thì cũng chấm dứt tình yêu. Nhưng theo tôi, bây giờ, mọi người hãy cứ thỏa mãn với những cảm xúc của mình.

Cả dân tộc xích lại gần nhau nhờ bóng đá

- Trước sự bày tỏ cảm xúc của người dân Việt Nam trong những ngày qua với bóng đá Việt Nam, ông rút ra được điều gì quan trọng nhất để phục vụ công việc/chuyên môn của mình?

- Tôi thấy họ có cảm xúc giống tôi nhưng lần này tôi có nhận xét là cảm xúc này được nâng lên một cấp bậc khác so với những lần trước. Thứ nhất, cảm xúc lần này mọi người đều giải thích được. Thứ hai, lần này không xuất hiện nhiều hành động quá khích, kém văn minh. Thứ ba, lần này cả dân tộc đã xích lại gần nhau hơn. Có thể nói, EQ quan trọng là ở chỗ đó.

Yêu và ghét trong bán hàng, yêu và ghét trong xử sự quan trọng hơn cả đúng và sai. Sự kiện thể thao này làm tôi liên tưởng đến câu chuyện ngày xưa Trung Quốc ngoại giao bằng bóng bàn; hoặc như Brazil, dù có rất nhiều vấn đề nổi cộm nhưng khi người ta nghĩ đến đất nước này lại thường chỉ nghĩ đến bóng đá.

Huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển U23 Việt Nam đã nhận định, cầu thủ Việt Nam hoàn toàn “ngang cơ” với Hàn Quốc, với Thái Lan. Tôi thấy điều này rất đúng. Nhưng tại sao nhiều người dân nước mình cứ tự nhận mình thấp hơn.

Xét về mặt cá nhân, trước đó, tôi mới áp dụng được một phần nhưng khi chứng kiến thành tích vừa rồi của U23 Việt Nam, tôi thấy mình đã quyết tâm hơn, đã định vị lại bản thân mình, rất rõ ràng. Có thể nói, sự kiện này đã có tác dụng cho cả dân tộc, cho từng cá nhân, cho từng mối quan hệ.

HLV Park Hang-seo là người mang lại sinh khí mới cho bóng đá Việt.

- Theo ông, cần phải có thái độ, cảm xúc như thế nào để bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa sau giải U23 châu Á năm nay?

- Nếu bây giờ tôi xếp yếu tố cảm xúc sang một bên mà dùng lý trí đúng hay sai để nhận thức thì rõ ràng, cảm xúc và lý trí giống nhau. Thứ nhất, thành tích mà U23 Việt Nam đạt được không phải là ngẫu nhiên, không phải là may mắn. Điều này ai cũng phải thừa nhận, bởi nó là cả một quá trình.

Sau đó, nếu đối chiếu với các quy tắc rèn luyện mà người Mỹ đã chạy hàm thống kê cho tất cả đội bóng và cho các nhân vật thành công thì có thể giải thích được hiện tượng này. Cho nên, tôi nghĩ rằng, nếu bản thân mình nhận thức được và sau đó làm theo đúng lộ trình đó thì sẽ không bao giờ giống với hiện tượng của bóng đá Hy Lạp trước đây. Niềm tin này rất có cơ sở, gồm 3 yếu tố.

Thứ nhất là các cầu thủ được định hướng rèn luyện sâu, tức là rèn luyện vượt ngưỡng và huấn luyện viên Park Hang Seo đã giúp các cầu thủ của chúng ta vượt được ngưỡng trong tinh thần. Rèn luyện sâu là rèn luyện lặp đi lặp lại liên tục, là rèn luyện có mục đích và các cầu thủ của chúng ta đều có những điều này.

Thứ hai là niềm đam mê. Người dân Việt Nam nói chung và các cầu thủ nói riêng có niềm đam mê đặc biệt với bóng đá và ít có quốc gia nào có thuận lợi như Việt Nam.

Thứ ba là người thầy. Người ta vẫn lầm tưởng phải đi kiếm người thầy rất giỏi về bóng đá nhưng vấn đề ở đây là bậc thầy về huấn luyện, chứ không chỉ đơn thuần là về bóng đá và huấn luyện viên Park Hang Seo chính là điển hình.

Có thể nói, cả ba điều này chúng ta đều đã có. Và cũng không phải tự nhiên mà báo chí nói rằng, huấn luyện viên Park Hang Seo đã làm cho bóng đá Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sang trang mới.

Trích sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ts-le-tham-duong-hlv-park-hang-seo-giup-bong-da-viet-sang-trang-post896649.html