TS. Lê Đăng Doanh: Nếu Asanzo xuất khẩu sang Mỹ thì rất có thể xảy ra tình trạng 'quýt làm cam chịu'

'Nguy hiểm hơn, nếu những sản phẩm này của Asanzo xuất khẩu sang Mỹ, nếu Mỹ chứng minh được và đánh thuế thì cả dòng hàng hóa này của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại. Như vậy là 'quýt làm cam chịu', nghĩa là Công ty Asanzo làm nhưng có thể sẽ gây tác hại rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế của chúng ta', TS. Lê Đăng Doanh nói.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. (Nguồn: Bizlive)

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. (Nguồn: Bizlive)

Những năm gần đây, người tiêu dùng trong nước gần như ít hứng thú với sản phẩm ngoại hơn trước. Thay vào đó là sự ủng hộ và tin tưởng vô cùng lớn cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, một số thương hiệu lại không nhận ra điều đó, họ đã sẵn sàng đánh cắp lòng tin của hàng triệu con người đang đứng về phía họ.

Những ngày này, báo chí đang thông tin rầm rộ về vụ việc Công ty Asanzo nhập hàng điện tử từ Trung Quốc nhưng lại giả danh "đội lốt hàng Việt". Sự việc khiến dư luận hết sức bất bình. Phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương xoay quanh vấn đề này:

-Thưa ông, vừa qua có thông tin các sản phẩm của Công ty Asanzo - một thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng Việt Nam - nhập hàng Trung Quốc nhưng lại "đội lốt" hàng Việt. Ông Phạm Văn Tam - CEO của doanh nghiệp này cũng đã thừa nhận Asanzo sử dụng các linh kiện của Trung Quốc và sản phẩm Asanzo không phải "Made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam. Ông nhận định gì về sự việc này?

+ Láng giềng của chúng ta là một đất nước kinh doanh thương mại từ rất lâu đời, cho nên việc các sản phẩm của họ được chuyển sang Việt Nam và lắp ráp tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu đã diễn ra từ khá lâu.

Gần đây, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sau khi bị đánh thuế thì số lượng những doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam tăng vọt hẳn lên. Chúng ta cũng thấy công ty Asenzo này từ một công ty rất nhỏ đã nổi lên trở thành một công ty rất lớn và hoạt động nhiều lĩnh vực, rồi được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Công ty này đã dán nhãn hiệu này lên sản phẩm để bán hàng và số lượng tivi họ bán ra rất lớn.

Vấn đề ở đây là việc sử dụng các linh kiện để lắp ráp và việc đây là nhãn hiệu hàng Việt Nam được xác định chính xác như thế nào? Tôi nghĩ cần phải có quy định về mặt pháp lý rõ ràng hơn nữa.

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp, vào cuộc của công an kinh tế, thanh tra phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ làm rõ xem Asanzo có gian lận thương mại, "đội lốt" hàng Việt Nam trốn thuế, lậu thuế hay có những hành vi vi phạm pháp luật hay không?

- Trước đây, vụ việc một thương hiệu sản phẩm lụa rất lớn của Việt Nam là Khải Silk cũng đã từng bị "bóc phốt" là hàng Trung Quốc "đội lốt hàng Việt". Ông có cho rằng, sự gian dối trong kinh doanh, đánh cắp lòng tin của người tiêu dùng là không thể tha thứ?

+ Trường hợp Khải Silk thì quá rõ ràng rồi, họ bóc nhãn hiệu Trung Quốc và dán nhãn mác Việt Nam lên. Còn trong trường hợp Công ty Asanzo, việc xác định nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đến đâu thì cần phải xác minh làm rõ thêm. Nếu chứng minh được họ bóc nhãn mác Trung Quốc để dán mác Việt Nam đè lên như báo chí đã nêu thì khi đó mới kết luật Asanzo sai phạm. Điều này rõ ràng là rất đáng lên án.

Nguy hiểm hơn, nếu những sản phẩm này của Asanzo xuất khẩu sang Mỹ, nếu Mỹ chứng minh được và đánh thuế thì cả dòng hàng hóa này của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại. Như vậy là "quýt làm cam chịu", nghĩa là Công ty Asanzo làm nhưng có thể sẽ gây tác hại rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế của chúng ta.

-Trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Nguyễn Văn Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm. Ông nhận định thế nào về câu trả lời mang tính thoái thác trách nhiệm này?

+ Câu trả lời của lãnh đạo Asanzo là không thể chấp nhận được về mặt pháp lý, bởi ông Tam đăng ký thương hiệu thì phải kiểm soát thương hiệu. Nếu không kiểm soát được thương hiệu có nghĩa là ông này đã dung túng cho việc lạm dụng thương hiệu, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này theo tôi không thể chấp nhận được.

-Asanzo được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trên trang cá nhân của mình cho biết, bên cạnh thông tin điều tra của báo chí, Hội có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo. Qua sự việc của Asanzo để thấy rằng, trước khi trao danh hiệu cho một doanh nghiệp nào đó cần có sự kiểm tra thật kỹ càng và trách nhiệm với lòng tin của người tiêu dùng, thưa ông?

+ Tôi thấy qua sự việc này cần phải có sự rà soát nhằm ngăn chặn và kiểm soát những hành vi tương tự bởi những hành vi này gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế của chúng ta. Đặc biệt, những hành vi như vậy sẽ khiến người tiêu dùng vô cùng thiệt thòi, làm mất uy tín của các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Bên cạnh đó, trên trường quốc tế cũng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi, gây khó khăn cho xuất nhập khẩu và giao dịch của các sản phẩm của chúng ta. Khi đó các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi và nguồn thu ngân sách cũng bị giảm đi.

-Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ts-le-dang-doanh-neu-asanzo-xuat-khau-sang-my-thi-rat-co-the-xay-ra-tinh-trang-quyt-lam-cam-chiu-20190624091340218.htm