TS Hà Phương Thư và giấc mơ ứng dụng 'Nhiệt từ trị' diệt tế bào ung thư

Mỗi lần đối diện với TS trẻ Hà Phương Thư, nghị lực và trái tim ấm áp của chị khiến cho tôi cảm thấy cuộc đời này thật dịu mát và êm ả hơn bội phần. Sau sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, giờ đây, Hà Phương Thư vẫn ấp ủ giấc mơ sẽ ứng dụng được vào thực tiễn thuốc điều trị ung thư nano và áp dụng liệu pháp Nhiệt từ trị (Hyperthermia) để hỗ trợ điều trị ung thư.

Chị được các bệnh nhân ung thư ưu ái gọi là người bạn lớn trong đời, bởi sản phẩm mà chị cống hiến nhờ công nghệ nano y-sinh, giúp làm giảm tác dụng phụ các phương pháp xạ trị, hóa trị, giúp bệnh nhân tăng cường sức đề kháng, kéo dài sự sống, cải thiện chất lượng sống sau hóa trị, xạ trị.

Từ nghề gõ đầu trẻ trở thành Tiến sĩ Hóa học

Hà Phương Thư sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Vì thế, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, chị đã chọn theo ngành sư phạm Hóa để định nối tiếp nghề nghiệp của cha mẹ. Bốn năm ra trường, chị được phân công giảng dạy tại Trường PTTH An Lương Đông, cách nhà 30km. Ba năm trôi qua, cứ thế, chị là một giáo viên dạy giỏi với nhiều tâm huyết cho các em học sinh quê nhà. Nhưng rồi, sự học vẫn thôi thúc chị phải vươn lên hơn nữa, có thêm những kiến thức để về phục vụ mảnh đất Huế thơ mộng.

Những ngày làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội, chị có cơ hội được sang Nhật Bản thực tập tại Viện công nghệ Tokyo Nhật Bản. Tiếp cận khối kiến thức khổng lồ cùng sự thay đổi thế giới quan khoa học, trở về Việt Nam, công tác tại Viện Hóa học, chị mới nhận ra, mình chính là con người của nghiên cứu khoa học. Mang theo hành lý là 45kg toàn sách và tài liệu, chị chọn ở lại Hà Nội, để tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học ứng dụng. Năm 2003, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và

TS Hà Phương Thư sở hữu nhiều giải thưởng lớn: Giải thưởng L’Oreal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2012; Bằng khen cho sản phẩm tiêu biểu tham gia Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2013 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Năm 2016, Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017.

được xếp loại xuất sắc.

Năm 2004 chị nhận được học bổng sau Tiến sĩ tại Trung tâm năng lượng nguyên tử CEA của Pháp. Chồng chị cũng là người con của xứ Huế đang công tác tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, đã trấn an chị tạm gác lại chuyện con cái để yên tâm nghiên cứu tại Pháp. Ở đây, chị được học sâu về nghiên cứu cấu trúc của protein có hoạt tính sinh học. Và câu chuyện ứng dụng thành tựu khoa học và thực tiễn hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư, đã được nung nấu từ những ngày trên đất Pháp.

Trên đất Pháp, chị không những được mở ra một chân trời trí thức mới mà còn mở ra nhiều cơ hội có thể ở lại để làm việc. Nhưng rồi chị từ bỏ những cơ hội ấy, với quyết tâm ngay từ đầu là phải trở về. Những ngày đầu tiên công tác tại Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chị được GS.TSKH Nguyễn Xuân Phúc “dẫn dắt” vào con đường mới mẻ hơn và không ít thách thức là nghiên cứu về công nghệ Nano y-sinh.

Người phụ nữ mang đến điều kỳ diệu cho bệnh nhân ung thư

Trở về Việt Nam, đứng trước nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ nano y-sinh còn rất lạ lẫm, kiến thức còn hạn hẹp, trang thiết bị không có, điều kiện tài chính cũng rất eo hẹp, chị và các cộng sự gặp rất nhiều thử thách. Năm 2009, Phòng Vật liệu Nano y sinh được thành lập và TS Hà Phương Thư là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu Nano trong y sinh học.

Với bản lĩnh của một nhà khoa học, chị và cộng sự đã gạt bỏ thử thách phía sau lưng để ngày đêm nghiên cứu về Nano, học hỏi kinh nghiệm ở các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước của Singapore, Pháp, Mỹ, Anh…

Chị bảo, quan trọng hơn cả, làm thế nào để khẳng định năng lực của nhóm nghiên cứu để xin hỗ trợ cấp kinh phí. “Sau ba năm nỗ lực, chúng tôi dần xin được đề tài cấp viện, cấp bộ, cấp Nhà nước. Từ kinh phí này cùng lòng đam mê nhiệt huyết của bản thân và cộng sự, chúng tôi đã khắc phục được khó khăn thách thức. Năm 2010, chúng tôi đã công bố trên tạp chí quốc tế về công nghệ Nano curcumin ứng dụng trong y sinh học, chế tạo cả hệ dẫn thuốc, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Dù Việt Nam lúc đó có rất nhiều nhóm nghiên cứu về Nano, nhưng chúng tôi tự hào là nhóm đầu tiên có công bố trên tạp chí quốc tế về Nano curcumin ở Việt Nam” - Hà Phương Thư hân hoan nói.

Từ việc xuất hiện trên các diễn đàn của các nhà khoa học nữ, chị đã được các doanh nghiệp dược phẩm tìm đến với mong muốn có được những sản phẩm thực phẩm chức năng made in Vietnam. Sau một vài sản phẩm hỗ trợ điều trị gan, tiểu đường, thuốc ho… chị và các cộng sự đã tìm được tiếng nói chung về một sản phẩm hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư.

TS Hà Phương Thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017.

TS Hà Phương Thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017.

Chị tâm sự “Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao, hằng năm có khoảng gần 100 nghìn ca tử vong vì ung thư, gần 200 nghìn ca mắc mới. Hiện nay, các thuốc chữa ung thư dược lưu hành có tác dụng chữa tốt nhưng nhược điểm là để lại tác dụng phụ rụng tóc, buồn nôn, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí có người không vượt qua được vì tác dụng phụ đó. Tôi và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu mong muốn làm điều gì đó để từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, làm ra bài thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân không may bị ung thư”.

“Việt Nam có hơn 4.000 loại dược liệu mà 1/3 số đó được sử dụng trong y học dân gian và y học cổ truyền. Tại sao mình không nghĩ tới những dược liệu quý này?” – từ suy nghĩ đó, dựa trên bài thuốc Hoắc hoàng kỳ phương của Tây tạng, chị và các cộng sự đã bào chế thành công thực phẩm chức năng FGC hỗ trợ bệnh nhân ung thư bằng công nghệ Nano với việc sử dụng ba hoạt chất: curcumin tách chiết từ nghệ vàng, fucoidan của rong biển, notoginseng trong tam thất. Công nghệ này giúp tận dụng được các chất có trong nguyên liệu để giúp tăng cường khả năng hấp thu cho người bệnh nhằm tăng cường miễn dịch, giảm tác dụng phụ của hóa, xạ trị.

Năm 2016, sản phẩm CumarGold Kare đã ra đời trong sự hân hoan của chị, vì nó đã giúp cho các bệnh nhân ung thư giảm được tác dụng phụ, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân sau xạ trị, hóa trị.

Từ thử nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm là 15mg, sau đó chị nâng dần nguyên liệu lên 150g để ra mắt trong một cuộc triển lãm tại Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2013, giờ đây chị đã có thể đáp ứng được khối lượng sản xuất 150kg/tháng để phục vụ người bệnh.

Ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc, chị Thư nói, có lúc chị sung sướng đến phát khóc khi nhận được cuộc gọi của những bệnh nhân chia sẻ về cuộc sống tươi tắn và lạc quan hơn của họ. Thậm chí có người còn tâm sự “họ gần như sống lại sau khi dùng FGC phối hợp với việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ”. Niềm vui ấy, khiến chị và cộng sự có nhiều đêm dài mất ngủ, vì những nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho không ít bệnh nhân đang đối mặt với cửa tử. Lúc ấy, chị mới tin, sự trở về của mình có ý nghĩa thật sự, không chỉ cho bản thân và gia đình chị.

Sẽ vẫn tiếp tục “chiến đấu” dài hơi vì bệnh nhân ung thư

Chưa có thời gian để tiếp tục chinh phục thêm chức danh Phó Giáo sư, nhưng Hà Phương Thư là số ít nhà khoa học nữ trẻ tiêu biểu có được những thành tựu đáng nể với 30 công bố quốc tế về lĩnh vực Nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)… Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chị là tác giả/đồng tác giả của 71 bài báo trong các tạp chí quốc tế, trong danh mục ISI và trong các tạp chí trong nước, các tuyển tập báo cáo toàn văn của hội nghị quốc tế và quốc gia. Trong nghiên cứu ứng dụng, chị làm chủ nhiệm 10 đề tài gồm các cấp Quốc gia (Nafosted); cấp Bộ; cấp Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Quỹ Innofund; cấp cơ sở, đề tài do doanh nghiệp đặt hàng…

Hỏi chị, vì sao không công bố đề tài khoa học tại Việt Nam, chị bảo, có lẽ tới đây, chị sẽ để tâm hơn, để có thêm cơ hội được tiếp cận các doanh nghiệp, ứng dụng những thành tựu khoa học mà chị và các cộng sự đang nghiên cứu vào thực tiễn.

Hà Phương Thư là một nhà khoa học nhiều hoài bão và tham vọng. Bởi chị biết, thực phẩm chức năng mà chị nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nano chỉ có giá trị phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhất định. Sau sản phẩm CumarGold Kare có thể bán cả chục nghìn sản phẩm/tháng, chị và cộng sự vẫn đau đáu với việc chưa chế tạo được thuốc chữa trị ung thư. Đó là thách thức của nhóm nghiên cứu khi phải đứng trước sự hợp tác liên ngành với các nhà sinh học, dược học, y học.

Dù biết là khó khăn, nhưng Hà Phương Thư tâm sự, chị hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu để tạo ra thêm những sản phẩm thực phẩm chức năng và quan trọng hơn là điều chế được thuốc chữa trị ung thư. “Chúng tôi đang tiếp tục với dự án nhằm nghiên cứu hệ dẫn thuốc có cấu trúc Nano. Đây sẽ là thuốc chữa được bệnh ung thư cho bệnh nhân ung thư”.

Một ấp ủ nữa, mà chị cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang còn dè dặt, đó là sử dụng phương pháp Nhiệt từ trị trong điều trị tế bào ung thư. "Phương pháp này dựa trên nguyên tắc là các hạt nano từ sẽ nóng lên khi đặt chúng trong từ trường xoay chiều. Với nhiệt độ khoảng 520C, tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt nhưng không ảnh hưởng đến tế bào thường. Chúng tôi cùng các bác sĩ Học viện Quân y, nhóm nghiên cứu Ung thư thực nghiệm tại Khoa Sinh, Đại học Quốc gia đã ứng dụng thử trên chuột và thỏ rất thành công. Chỉ sau ba lần điều trị, kích thước các khối u ung thư trên chuột đã giảm đáng kể . Tuy nhiên, chúng tôi cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới, còn gặp nhiều rào cản trong việc áp dụng trên người” – TS Thư bộc bạch.

Sau hóa trị, xạ trị, tương lai phương pháp Nhiệt từ trị đã được các nhà khoa học đưa ra bàn luận để điều trị ung thư nhưng phương pháp này vẫn còn rất nhiều băn khoăn về sự tồn tại của hạt từ trong cơ thể. Chị chia sẻ tâm huyết: “Để nghiên cứu sâu hơn nữa, chúng tôi rất mong muốn được trình bày công trình này với Bộ Y tế để cùng có sự tham gia nghiên cứu của các nhà y dược học, các bác sĩ, các chuyên gia của Bộ Y tế”.

Với một tấm lòng đặc biệt tâm huyết để hỗ trợ bệnh nhân ung thư, chị có một danh sách những bệnh nhân chị hỗ trợ miễn phí sản phẩm CumarGold Kare để giúp họ nâng cao thể trạng. Hơn 20 nghìn hộp thực phẩm chức năng CumarGold Kare được cung ứng ra thị trường hằng tháng chứng tỏ sự hỗ trợ kỳ diệu của sản phẩm này cho các bệnh nhân ung thư. Và vì động lực ấy, chị đầy hào hứng nói rằng, mình sẽ còn con đường dài phía trước để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn những sản phẩm hỗ trợ tốt hơn nữa cho bệnh nhân ung bướu.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34523302-ts-ha-phuong-thu-va-giac-mo-ung-dung-%E2%80%9Cnhiet-tu-tri%E2%80%9D-diet-te-bao-ung-thu.html