TS Cấn Văn Lực: 'Tỉ giá tăng 2-3% trong năm 2019 là mức chấp nhận được'

Thương chiến Mỹ Trung dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế. Theo đó, giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên, đồng CNY giảm. Vậy câu chuyện tỉ giá và lãi suất của Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao?

 Tỉ giá ngoại tệ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi yếu tố tâm lý

Tỉ giá ngoại tệ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi yếu tố tâm lý

“Mặc dù thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung-cầu cơ bản ổn, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...), nhưng những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có tác động nhất định tới tỉ giá ", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Người đưa tin

Ông dự báo lãi suất ở Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang?

TS. Cấn Văn Lực: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tuy không trực tiếp tác động lên lãi suất tại Việt Nam nhưng có thể tác động gián tiếp thông qua biến động tỉ giá và áp lực lạm phát. Tỉ giá USD/VND dự báo chịu áp lực hơn và đặc biệt áp lực lạm phát tăng lên trong ngắn hạn có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ.

Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại căng thẳng hơn, FED có thể bắt đầu hạ lãi suất, khi đó mặt bằng lãi suất USD giảm, góp phần giảm áp lực lãi suất USD và VND tại Việt Nam. Trong bối cảnh giằng co đó, khả năng lãi suất VND sẽ đi ngang (có đôi lúc tăng nhẹ) là điều có thể xảy ra.

Áp lực tỉ giá từ nay đến cuối năm sẽ ra sao, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Hiện đồng USD đang mạnh lên trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang tác động đến tâm lý và hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Thực tế, quan hệ cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn định. Đáng lưu ý, từ ngày 20.5 đến nay, tỉ giá đã ổn định trở lại, thậm chí VND có xu hướng tăng giá nhẹ so với giá USD.

Về trung và dài hạn, tỉ giá USD/VND phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN.

Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tỉ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY...) trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp đồng CNY bị mất giá thì VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.

Với cơ chế điều hành tỉ giá linh hoạt và việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN cùng với nguồn lực ngoại hối được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định. Tôi cho rằng tỉ giá USD/VND trong tầm kiểm soát và tăng 2-3% trong năm 2019 là mức chấp nhận được.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ts-can-van-luc-ti-gia-tang-2-3-trong-nam-2019-la-muc-chap-nhan-duoc-735807.ldo