TS Cấn Văn Lực: phương án huy động vốn của An Quý Hưng không mấy sáng sủa

Đó là khẳng định của TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV khi trả lời PV Báo Thương trường về tính khả thi huy động khoảng 7.000 tỷ của An Quý Hưng để mua cổ phiếu VCG.

TS Cấn Văn Lực

Chỉ còn 1 ngày nữa là hết thời hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư trúng đấu giá Vinaconex (VCG). Với quy mô rất nhỏ so với thương vụ mua cổ phiếu VCG, nếu chỉ dựa vào tài sản thì việc chi số tiền “khổng lồ” trên 7.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu VCG đối với An Quý Hưng thì việc này gần như là chuyện không tưởng.

- Thông thường, kịch bản nguồn vốn của các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu của doanh nghiệp khác sẽ như thế nào thưa ông?

Theo tôi, một nhà đầu tư khi sẵn sàng tham gia đấu giá, trở thành nhà đầu tư và nhận phần thoái vốn thì chắc chắn nhà đầu tư đó phải có tiềm năng và vững mạnh về tài chính.

Thông thường, nguồn vốn sẽ được các nhà đầu tư huy động từ nhiều nguồn như: vốn tự có; vốn vay ngân hàng; vốn huy động thêm từ các cổ đông hiện tại; cùng mời 1 cổ đông khác tham gia hoặc chấp nhận góp vốn dần dần,...

Với thương vụ mua cổ phần VCG, tiềm lực nhà đầu tư ở Việt Nam với năng lực đầu tư trên 7.000 tỷ không phải nhiều.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, An Quý Hưng tại thời điểm 31/12/2017 có tổng tài sản chỉ gần 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt hơn 450 tỷ đồng, còn lại là nợ phải trả. Cá nhân tôi cho rằng khả năng huy động ngay lập tức số vốn trên 7.000 tỷ không phải dễ dàng.

- Hiện nay, các ngân hàng đang hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán, do đó nếu đơn vị nào hợp tác đầu tư với An Quý Hưng thì đơn vị đó cũng phải sẵn có nguồn tiền mặt và tiềm lực tài chính mạnh. Mặt khác, hình thức hợp tác đầu tư thường có tính pháp lý yếu và bên góp vốn trong trường hợp này lại không được đứng tên sở hữu cổ phiếu. Vậy theo ông, hình thức hợp tác này có rủi ro với nhà đầu tư?

Chắc chắn sẽ là rủi ro nếu góp vốn mà không được đứng tên. Bởi về bản chất, nếu có một doanh nghiệp nào cho An Quý Hưng vay để mua trọn cổ phiếu VCG thì chính là cho công ty An Quý Hưng vay. Doanh nghiệp cho vay lẫn nhau thì rất rủi ro.

Hiện nay, các ngân hàng đang rất hạn chế cho vay để đầu tư chứng khoán và bất động sản nên ngay cả An Quý Hưng và cổ phiếu VCG là những lĩnh vực ngân hàng tương đối cho vay. Chính vì vậy phương án huy động vốn từ ngân hàng của An Quý Hưng không mấy sáng sủa.

Về phương án huy động vốn tự có và vốn từ các cổ đông hiện tại cũng không khả thi với An Quý Hưng. Theo giới thiệu của An Quý Hưng, hai cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh. Trong đó, phần vốn góp của ông Đông là 252 tỷ đồng (chiếm 70%), còn bà Thanh là 108 tỷ đồng (chiếm 30%). Tính tới cuối năm 2017, công ty có vốn điều lệ khoảng 450 tỷ đồng và tổng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Với tiềm lực như vậy, tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp của An Quý Hưng khó đầy đủ cho 1 khoản vốn vay lớn như vậy.

- Hiện danh tính nhà đầu tư chưa thực sự rõ ràng, những cách thức huy động vốn ngầm sẽ làm méo mó thị trường chứng khoán, có khả năng vi phạm các quy định của Ngân hàng nhà nước, Ủy ban chứng khoán, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư và cho cả thị trường. Ông đánh giá những lo ngại này của nhà đầu tư?

Theo quy định hiện nay, các khoản góp vốn, khoản vay đều phải có nguồn gốc rõ ràng khi tham gia mua cổ phần cổ phiếu hoặc góp vốn vào doanh nghiệp. Vốn vay, vốn huy động đều phải làm rõ, ra cơ quan quản lý bên mua cổ phiếu cũng phải rõ ràng về phương án tài chính. Nếu có vốn "ngầm" chắc chắn sẽ không thể che đậy được!

- Nếu An Quý Hưng không huy động được nguồn tiền thì cổ phiếu VCG sẽ giải quyết như thế nào?

Trong trường hợp An Quý Hưng không thể huy động số tiền trên đúng thời hạn, cổ phiếu VCG có thể sẽ được đấu giá lại.

Thời gian qua, không phải mọi doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn đều đấu giá thành công. Một số doanh nghiệp có tỷ lệ đấu giá thành công chỉ từ 1-2%. Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp có thể bán đi số cổ phần mà nhà đầu tư có khả năng góp vốn, không nhất thiết phải tất cả cổ phần. Nếu khó bán thì có thể bán nhiều lần.

Trong trường hợp của VCG, theo tôi, cơ quan quản lý và bản thân Vinaconex cần phải tính toán kỹ lưỡng khi bán trọn cổ phiếu cho 1 nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa hơn các nhà đầu tư bởi số tiền thoái vốn tương đối lớn. Và khi tìm được nhà đầu tư không chỉ lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính mà còn phải có chuyên môn để phát triển các lĩnh vực kinh doanh mà Vinaconex đang phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Chưa nộp đủ tiền đã gửi văn bản “đe” Vinaconex

Sau 1 ngày đấu giá thành công lô cổ phiếu trị giá 7.400 tỉ đồng và trở thành cổ đông lớn nhất của Vinaconex, ngày 23/11/2018, Công ty TNHH An Quý Hưng đã phát đi văn bản số 289/2018/CV-VP gửi SCIC, Vinaconex và Cục An ninh kinhtêÁ04 của Bộ Công An.

Nội dung văn bản nêu rõ, Công ty TNHH An Quý Hưng đã thực hiện đấu giá thành công 57,71% phần vốn Nhà nước thuộc sở hữu của Tổng công ty SCIC tại Tổng Công ty Vinaconex vào ngày 22/11/2018 và đang hoàn tất thủ tục chuyển giao theo quy định.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết đã “nhận được thông tin có hiện tượng chi bất thường tại Tổng Công ty Vinaconex và một số đơn vị thành viên kể từ khi SCIC có thông báo đấu giá cổ phần Vinaconex để thoái vốn nhà nước tại DN, làm giảm giá trị phần vốn Nhà nước”.

Văn bản phía An Quý Hưng gửi sang Vinaconex

Do đó, trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển giao chủ sở hữu từ vốn Nhà Nước sang nhà đầu tư mới được đảm bảo, Công ty An Quý Hưng đề nghị Tổng Công ty SCIC chỉ đạo người đại diện vốn tại Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên trực thuộc Vinaconex không thực hiện các hoạt động thanh lý, mua bán tài sản tại Vinaconex và các đơn vị thành viên Vinaconex.

Đồng thời, yêu cầu SCIC chỉ đạo người đại diện vốn tại Vinaconex và các đơn vị thành viên có biện pháp kiểm soát thu, chi tài chính tại Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên nhằm bảo toàn vốn Nhà nước trong quá trình chuyển giao như đã công bố thông tin khi chào bán cổ phần.

Đáng chú ý, văn bản của An Quý Hưng còn nhấn mạnh “ngay sau khi hoàn tất việc chuyển giao, Công ty An Quý Hưng sẽ thuê đơn vị kiểm toán đặc biệt thực hiện việc kiểm toán, đối chiếu, rà soát lại toàn bộ số liệu về tài chính, tài sản và các vấn đề khác so với hồ sơ đã công bố thông tin của SCIC về việc chào bán cổ phần Vinaconex ngày 24/10/2018 và hồ sơ định giá cổ phần cũng như các quy chế, quy định của đơn vị. Trường hợp phát hiện các sai phạm lớn, Công ty An Quý Hưng sẽ có văn bản đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo quy định”.

Bên cạnh đó, để bảo toàn vốn Nhà nước trong giai đoạn chuyển giao Chủ sở hữu, Công ty An Quý Hưng cũng đề nghị Cục An ninh kinhtế(Bộ Công an) phối hợp giám sát các hoạt động quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên trong quá trình chuyển giao từ SCIC sang Nhà đầu tư.

Động thái này của An Quý Hưng đã khiến nhiều cán bộ nhân viên tại Vinaconex e ngại, cho rằng doanh nghiệp này đang “can thiệp thô bạo” dù chưa thực hiện xong nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp đủ tiền mua cổ phần tại Vinaconex.

Về phía Vinaconex, được biết sau khi nhận được văn bản của An Quý Hưng, ngày 28/11, Tổng Công ty Vinaconex đã có cuộc họp triển khai nội dung đề nghị trên của Công ty TNHH An Quý Hưng.

Theo Thương Trường

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/kinh-te/ts-can-van-luc-phuong-an-huy-dong-von-cua-an-quy-hung-khong-may-sang-sua-133519.html