Truyện trinh thám 'Ván bài lật ngửa' bùng nổ sau chuyển thể phim

Sau khi chuyển thể, tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý viết lại tiểu thuyết từ phim 'Ván bài lật ngửa', tới nay tác phẩm vẫn là một tượng đài truyện trinh thám Việt.

Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) ban đầu có tên là Giữa biển giáo rừng gươm. Tác phẩm được Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM chuyển thể thành phim đen trắng với tên Ván bài lật ngửa. Năm 1986, chính tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý viết lại tiểu thuyết từ kịch bản phim. Do bộ phim quá thành công nên nhà văn lấy luôn tên tác phẩm văn học là Ván bài lật ngửa.

Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) ban đầu có tên là Giữa biển giáo rừng gươm. Tác phẩm được Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM chuyển thể thành phim đen trắng với tên Ván bài lật ngửa. Năm 1986, chính tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý viết lại tiểu thuyết từ kịch bản phim. Do bộ phim quá thành công nên nhà văn lấy luôn tên tác phẩm văn học là Ván bài lật ngửa.

Tiểu thuyết kể về nhân vật có thật - anh hùng Phạm Ngọc Thảo, với biệt danh "Chín T". Trong ảnh là tình báo viên Phạm Ngọc Thảo do phóng viên tạp chí Life ghi lại.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa là người chuyển thể kịch bản, đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh. Năm 1982, tập đầu tiên ra mắt; tới năm 1987, series kết thúc với 8 tập phim: Đứa con nuôi vị giám mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên, Cơn hồng thủy và bản tango số 3, Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ, Vòng hoa trước mộ.

Trong phim, diễn viên Chánh Tín vào vai chính Nguyễn Thành Luân. Khi vào vai điệp viên này, Chánh Tín là một ca sĩ trẻ. Sau khi phim thành công, anh trở thành ngôi sao sáng của màn ảnh. Nhân vật Thành Luân không chỉ là vai diễn để đời của Chánh Tín, mà tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả về hình tượng một tình báo viên hoạt động trong lòng địch.

Với mái tóc bồng bềnh, đôi mắt sâu, ăn vận lịch lãm và tạo hình lạnh lùng, Thành Luân đốn tim rất nhiều khán giả thập niên 1980.

Hình ảnh thiếu tá Vọng (Thương Tín đóng) và Thành Luân trong Ván bài lật ngửa đã trở thành một cảnh kinh điển của điện ảnh Việt.

Ván bài lật ngửa không chỉ khắc họa riêng về Nguyễn Thành Luân mà còn mô phỏng những người hoạt động tình báo trong lòng địch một thời. Trong ảnh là nhân vật Thùy Dung - vợ của Thành Luân - do ca sĩ Thanh Lan thủ vai.

Ván bài lật ngửa không chỉ là một phim ăn khách, mà được tôn vinh qua nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983) cho tập Đứa con nuôi vị giám mục, giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 (năm 1985) cho tập Trời xanh qua kẽ lá, đồng thời dành giải diễn viên chính xuất sắc cho Nguyễn Chánh Tín.

Tới nay, bộ phim Ván bài lật ngửa vẫn được xem là một đỉnh cao của phim Việt. Với tác phẩm văn học, nhờ cách viết lôi cuốn, cách xây dựng tình tiết thông minh, lời thoại sắc sảo, nhất là sau thành công của phim, sách Ván bài lật ngửa vẫn được tái bản, tiếp tục chinh phục thế hệ độc giả mới.

Y Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truyen-trinh-tham-van-bai-lat-ngua-bung-no-sau-chuyen-the-phim-post895368.html