Truyền thuyết về 'Robin Hood' Nhật Bản

Nhân vật Robin Hood – sống ngoài vòng pháp luật, cướp của người giàu, chia cho người nghèo đã trở thành huyền thoại ở Anh, được nhiều người trên thế giới biết đến.

Nhật Bản cũng có một nhân vật gần như vậy, được dân gian truyền tụng nhưng lai lịch của ông vẫn còn nhiều bàn cãi.

Từ ninja trở thành đạo chích

Tranh minh họa Ishikawa Goemon.

Tranh minh họa Ishikawa Goemon.

Mặc dù truyền thuyết về Ishikawa Goemon - “Robin Hood” Nhật Bản chỉ rải rác trong dân gian, nhưng có bằng chứng cho thấy nhân vật này từng tồn tại. Trong tiểu sử của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi có đề cập đến ông ta như một đạo chích có tài.

Trên thực tế, có nhiều câu chuyện khác nhau về cuộc đời của Goemon được lan truyền. Một tài liệu cho rằng, ông sinh vào năm 1558, với cái tên Sanada Kuranoshin, trong một gia tộc samurai phục vụ cho thị tộc Miyoshi ở tỉnh Iga.

Khi còn nhỏ, Sanada đã chứng kiến cha và mẹ của mình bị giết bởi binh lính của Mạc phủ Ashikaga, thế lực thống trị Nhật Bản. Sanada thề trả thù cho cái chết của cha mình. Khi 15 tuổi, ông được đào tạo để trở thành một ninja dưới sự bảo bọc của Momochi Sandayu, người sáng lập trường dạy nhẫn thuật (ninjutsu – võ thuật của các ninja) ở tỉnh Iga.

Mặc dù mồ côi, Sanada được nuôi dưỡng như con trai của chủ nhân Sandayu, người thầy nghiêm khắc của mình.

Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi Sanada bị quyến rũ bởi một trong những người vợ của chủ nhân và bị trục xuất khỏi nhà, khi chuyện giữa hai người bị phát giác.

Các phiên bản khác nhau đều ghi ông ta ăn cắp thanh kiếm huyền thoại của chủ nhân, thậm chí đưa vợ của chủ nhân đi trốn. Nhiều câu chuyện kể, người tình tội lỗi của Goemon bị chính ông ta giết vì làm vướng chân trên đường đào thoát.

Điều này cho thấy Goemon là một người đàn ông nóng nảy, bạo lực và thiếu kiên nhẫn, trái ngược với mô tả sau đó về một kẻ cướp từ thiện, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Từ đây dẫn đến phiên bản thứ hai cuộc đời của Goemon.

Trong phiên bản này, Ishikawa Goemon có tên là Gorokizu, đến từ tỉnh Kawachi và hoàn toàn không phải là một ninja chạy trốn. Gorokizu chuyển đến vùng Kansai, lấy tên là Ishikawa Goemon và thành lập một băng trộm cướp.

Ở đây, ông ta lập kế hoạch đột nhập, cướp tài sản của các lãnh chúa phong kiến giàu có, thương nhân, giáo sĩ, samurai và bất cứ ai có thứ gì đó đáng giá. Băng cướp hành động vào ban đêm. Ban ngày, họ sẽ đóng giả như những thương gia tìm cách thiết lập các mối quan hệ xã hội để phát hiện các con mồi.

Goemon và đồng bọn luôn phân tán chiến lợi phẩm của họ trong dân thường để đánh lạc hướng nhà chức trách, che giấu hành vi trộm cắp của mình.

Đây là một phần rất quan trọng trong truyền thuyết về Ishikawa Goemon, vì nó đặt nghi vấn, liệu ông ta có phải là một anh hùng kiểu Robin Hood, giúp người nghèo từ tiền của người giàu hay đơn thuần chỉ là một kẻ lừa lọc, dùng người nghèo làm bình phong, phân tán sự chú ý của chính quyền về hành động của mình.

Cho đến thời kỳ Edo (1603 – 1868), những hành động của Goemon mới được lãng mạn hóa, nhanh chóng biến ông trở thành một anh hùng, mặc dù điều đó có thể không hoàn toàn đúng sự thật.

Cái chết bi hùng

Ishikawa Goemon và con trai bị hành hình.

Điều khiến hình ảnh của Goemon trở thành một huyền thoại lại là cách thức chết của ông, một cách bi thảm và anh hùng, được mọi người luôn nhớ đến.

Sau khi vợ và con trai bị lãnh chúa Hideyoshi bắt giết, Goemon thề sẽ trả thù. Tìm cách xâm nhập vào lâu đài của Hideyoshi tại Fushimi, ông vào phòng của lãnh chúa và chuẩn bị tấn công thì vô ý làm một chiếc chuông rơi khỏi bàn, báo động cho lính canh.

Bị bắt và cuối cùng bị nhận dạng là một tên cướp khét tiếng, từng thực hiện nhiều vụ trộm cướp của kinh thiên động địa, Goemon bị đưa đến cổng chính của ngôi chùa ở Nanzen-Ji ở Kyoto để đền tội.

Về việc ông bị bắt và cái chết, câu chuyện khác kể rằng, Hideyoshi đã được cảnh báo về sự có mặt của Goemon trong lâu đài bằng một chiếc lư hương ma thuật, nên dễ dàng phát hiện và bắt kẻ đột nhập.

Goemon không bị chặt đầu như truyền thống vào thời điểm đó, mà phải chịu một cái chết khủng khiếp hơn nhiều, ông bị ném vào một vạc dầu cùng với con trai mình để bị đun sôi cho đến chết.

Truyền thuyết kể rằng, Goemon đã cố gắng cứu đứa con trai nhỏ bằng cách nâng con lên khỏi vạc dầu. Trong một số câu chuyện, con trai ông đã được giải thoát và cứu sống bởi những người xem.

Còn ở chuyện khác thì nhận ra sự vô ích của việc cứu con trai, Goemon đã ném con xuống vạc dầu đang sôi để cái chết đến càng nhanh càng tốt. Sau đó, ông đưa xác con trai mình lên khỏi đầu như một dấu hiệu của sự thách thức chống lại Hideyoshi. Ông chết không hối tiếc và đầy thách thức chế độ chuyên chế.

Trước khi chết, Goemon thừa nhận mình là một đạo chích. Tuy nhiên, ông cũng gọi Hideyoshi là tên trộm đã đánh cắp Nhật Bản khỏi nhân dân. Việc từ chối nhượng bộ lãnh chúa này giúp ông có vị trí trong văn hóa dân gian Nhật Bản.

Như đã đề cập, tiểu sử của Hideyoshi được coi là một nguồn đáng tin cậy và xác nhận sự tồn tại của nhân vật Goemon, cũng như về cái chết của ông ta. Nhưng về lai lịch của ông, cũng như việc phân phối của cải trộm được cho người nghèo, như Robin Hood, vẫn còn trong vòng tranh luận.

Trước khi chết, Goemon đã viết một bài thơ với nội dung, cho dù thế giới có diễn biến như thế nào đi chăng nữa thì vẫn luôn có đầy những tên trộm.

Bất kể Goemon là một anh hùng hay kẻ trộm thông thường, ông vẫn được ghi nhận trong văn hóa dân gian và truyền thuyết của Nhật Bản. Ngày nay, Ishikawa Goemon là chủ đề của nhiều tác phẩm điện ảnh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử và các vở kịch.

Theo Historicmysterious

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/truyen-thuyet-ve-robin-hood-nhat-ban-GGmlbvUng.html