Truyền thông với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, trải dài trên cả nước, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam lâu nay không chỉ là lĩnh vực nghiên cứu, tìm hiểu của riêng ngành khoa học xã hội và nhân văn mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp quản lý, của cộng đồng và nhất là các cơ quan truyền thông, báo chí.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), về di sản văn hóa vật thể, cả nước hiện có hơn 40 nghìn di tích đã được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.486 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, tám di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh. Về di sản văn hóa phi vật thể, có 61.669 di sản của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê với 301 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản được UNESCO ghi danh. Trong giai đoạn, từ năm 2011 đến 2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp hơn 1.560 tỷ đồng cho các địa phương chống xuống cấp và tu bổ di tích.

Tuy được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy được các giá trị di tích, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân, song thực tế cho thấy công tác bảo tồn giá trị các di sản văn hóa hiện nay vẫn còn khá lỏng lẻo và nhiều vướng mắc. Điều này có thể thấy rõ qua những bất cập trong quản lý di sản, di tích và hàng loạt vụ việc vi phạm, xâm hại di sản dưới danh nghĩa tôn tạo, trùng tu di sản, di tích văn hóa hoặc khai thác phát triển du lịch một cách bừa bãi, lạm dụng quá mức… khiến nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử bị biến dạng, mất đi cấu trúc cũng như bản sắc nguyên sơ. Nhiều lễ hội truyền thống bị biến tướng hoặc thiên về yếu tố thương mại, phục dựng theo kiểu kịch bản hóa, lộn xộn, thiếu tôn nghiêm, sai lệch với ý nghĩa nhân văn ban đầu, thậm chí trở thành mê tín dị đoan… Báo chí đã từng không ít lần phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương. Nổi cộm như công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ (Hoa Lư, Ninh Bình) với 2.000 bậc thang đá xây dựng trái phép, vi phạm vùng lõi di sản Tràng An; di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm phạm do quy hoạch; di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… Sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo, đài qua các tin tức, bài viết đi sâu điều tra, nêu rõ sai phạm liên quan đến các di tích lịch sử, văn hóa thời gian qua, đã góp phần quan trọng phản ánh thực tế buông lỏng, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình vụ lợi trong các khâu quản lý, quy hoạch và tổ chức hoạt động ở các di sản. Báo chí đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, đồng thời tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng có những hành động cụ thể cùng chung tay gìn giữ di sản. Qua đó cho thấy rõ vai trò quan trọng và hiệu quả của truyền thông báo chí trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.

MẶC dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí và công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Tại cuộc tọa đàm vừa qua do tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức về vai trò của truyền thông với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhiều đại biểu đến từ các cơ quan báo chí và truyền thông cho rằng, thông tin phần lớn vẫn ở dạng tuyên truyền, trong khi dung lượng và thời lượng dành cho vấn đề di sản còn khiêm tốn, đôi khi phản ánh chậm, chưa cụ thể và nhiều khi chưa đúng với bản chất vấn đề, còn chạy theo xu hướng giật gân, trong khi kiến thức về lĩnh vực di sản của không ít nhà báo và phóng viên các báo, đài còn hạn chế... Để có những bài viết, chương trình truyền hình nêu đúng và đi vào bản chất trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, cần phải có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa di sản và thái độ tôn trọng cộng đồng khi tiếp cận thông tin di sản.

Theo các chuyên gia về di sản, muốn làm tốt điều này, các cơ quan báo chí nên chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về di sản cũng như ngôn ngữ di sản cho những phóng viên chuyên trách, đồng thời đổi mới nội dung, đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền các di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch, nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với các di sản, khơi dậy ý thức ở mỗi người để cùng chung tay bảo vệ, phát huy di sản… Các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa cũng nên có những đổi mới trong việc cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng và kịp thời đối với báo chí trong truyền thông quảng bá giới thiệu về di sản cũng như phối hợp trao đổi thông tin, nhất là các vấn đề nóng về xâm hại di tích, ảnh hưởng môi trường cảnh quan…

Có thể nói, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, với sự phát triển của báo chí đa phương tiện, biết tận dụng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí và quản lý văn hóa sẽ mang lại hiệu quả cao về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong tình hình hiện nay…

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/42342102-truyen-thong-voi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa.html