Truyền thông về Năm ASEAN 2020: 3 bài học của Thái Lan và 9 điều Việt Nam nên làm

Tại buổi thảo luận bàn tròn về truyền thông Việt Nam và năm ASEAN 2020 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), sáng 15/1 tại Hà Nội, diễn giả chính - Cố vấn truyền thông cao cấp của ERIA, GS. Kavi Chongkittavorn đã đúc kết 9 điều Việt Nam nên làm trong công tác truyền thông về năm ASEAN 2020.

GS. Kavi Chongkittavorn là một chuyên gia truyền thông có nhiều kinh nghiệm đối với tiến trình ASEAN, đặc biệt là các nội dung của năm ASEAN 2019 ở Thái Lan. (Ảnh: L.A)

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Kavi Chongkittavorn nhấn mạnh, năm 2020, Việt Nam có vinh dự được đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN. So với 10 năm trước, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2010, thì năm 2020, việc khẳng định vai trò của ASEAN như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết và năng động, góp phần thúc đẩy quá trình kết nối khu vực và toàn cầu càng trở nên có ý nghĩa hơn.

Nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, GS. Kavi Chongkittavorn khẳng định, ASEAN là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết phát triển ngày càng lớn mạnh, là nền kinh tế phát triển năng động, định vị vững chắc vị trí là vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các quốc gia, đối tác lớn trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, biến động khó lường của tình hình khu vực và thế giới, gắn kết và chủ động thích ứng là phương thức quan trọng để giúp ASEAN tận dụng thời cơ và ứng phó hiệu quả với các thách thức.

GS. Kavi Chongkittavorn cho rằng, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ có vai trò và trách nhiệm củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam sẽ nỗ lực hướng tới nâng cao năng lực thích ứng của ASEAN trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0…

Với chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, GS. Kavi Chongkittavorn cho biết, Việt Nam có 5 ưu tiên chính thức của năm ASEAN 2020. Thứ nhất, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Thứ hai, thúc đây liên kết và kết nối khu vực. Thứ ba, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN. Thứ tư, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới. Thứ năm, nâng cao hiệu quả và năng lực chủ động thích ứng của các cơ chế ASEAN.

Logo Năm ASEAN 2020.

Về công tác truyền thông, theo GS. Kavi Chongkittavorn, Thái Lan có 3 bài học trong truyền thông trong năm Chủ tịch ASEAN 2019, đó là: Nắm quyền định hướng thông tin càng sớm càng tốt, cơ quan truyền thông phải thể hiện góc nhìn và quan điểm từ những ngày đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch năm ASEAN; Truyền tải định hướng thông tin càng rộng càng tốt bởi mạng lưới truyền thông có thể giúp định hướng thông tin trong nước phổ biến hơn; Giữ định hướng thông tin càng lâu càng tốt, hay nói cách khác, các quan điểm phải nhất quán với thông điệp chung từ ban đầu.

Từ những thành công và bài học đối với công tác truyền thông của Thái Lan trong năm Chủ tịch ASEAN 2019, GS. Kavi Chongkittavorn gợi ý, Việt Nam có 9 điều nên làm trong công tác truyền thông về năm ASEAN 2020. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nên thận trọng hơn trong việc xem xét và sử dụng nguồn tin.

Thứ hai, không nên dựa vào quan điểm, góc nhìn của riêng một nước thành viên ASEAN nào.

Thứ ba, nên trích dẫn bình luận của nhiều nhóm học giả, chứ không chỉ riêng học giả phương Tây.

Thứ tư, nên nghĩ rộng hơn so với khung khổ truyền thống, đặc biệt trong các vấn đề phi chính trị.

Thứ năm, nên theo dõi cả các đánh giá chính thức và không chính thức.

Thứ sáu, nên suy nghĩ một cách tổng hợp, không phải theo góc nhìn song phương hay một chiều.

Thứ bảy, nên đọc các văn kiện một cách thận trọng và đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi đưa tin.

Thứ tám, nên hiểu đúng và đầy đủ thuật ngữ chuyên môn và ngoại giao của các nước ASEAN.

Thứ chín, nên khai thác và viết về các câu chuyện liên quan tới người dân ASEAN.

Kể từ năm Chủ tịch ASEAN 2012 tại Campuchia, ERIA đã 9 năm liên tục hỗ trợ các nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, tổ chức các buổi thảo luận bàn tròn với các cơ quan báo chí, truyền thông của các nước thành viên đến từ các quốc gia Đông Á. Thảo luận bàn tròn lần này đánh dấu năm thứ 10 ERIA tiếp tục đông hành cùng Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Linh An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truyen-thong-ve-nam-asean-2020-3-bai-hoc-cua-thai-lan-va-9-dieu-viet-nam-nen-lam-107797.html