Truyền thông về cải thiện sức khỏe sinh sản, tình dục cho nữ CNLĐ

Chiểu 28/9, tại Cty TNHH Linh kiện Điện tử Sei Việt Nam, khu Công nghiệp Thăng Long, Công đoàn các KCN-CX Hà Nội phối hợp với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức buổi truyền thông về 'Cải thiệ sức khỏe sinh sản- tình dục cho CNLĐ nữ trong độ tuổi sinh sản'.

Nữ CNLĐ Cty TNHH Linh kiện Điện tử Sei Việt Nam tham dự buổi truyền thông, ảnh XS.

Tại buổi truyền thông gần 150 CNĐ được nghe bác sĩ Hồ Mai Hoa- Giảng viên Quốc gia về sức khỏe sinh sản trao đổi các kiến thức cơ bản về cấu trúc và chức năng của bộ máy sinh sản của người phụ nữ; Cơ chế hình thành thai nhi. Kiến thức chăm sóc thai nhi.

Trong đó theo bác sĩ Mai Hoa phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng; khám thai định kỳ. Việc khám thai và theo dõi thai rất quan trọng. Các bà mẹ khám càng sớm càng tốt, khám thai tối thiểu 3 lần và thời điểm quan trọng là khi thai nhi được 12 tuần, 22 tùan và 32 tuần. Đúng thời điểm này bác sĩ khám mới có thể phát hiện được một số dị tật thai nhi. Ngoài ra khi có những dấu hiệu bất thường nhu ra máu, sốt trên 38 độ, đau bụng, đau đầu nhiều, đái buất, phù nặng, không thấy thai cử động từ tuần 20 trở đi…phải đi khám ngay.

Cũng tại buổi truyền thông, bác sĩ giới thiệu các kiến thức về chăm sóc bà mẹ sau sinh; kỹ năng cho con bú. Bác sĩ lưu ý các bà mẹ khi thấy trẻ ngủ li bì, thở bất thường, bú kém, co giật, mắt đỏ; chảy máu bất cứ chỗ nào; bé bị vàng da 24 giờ đầu sau đẻ, vàng đậm … phải đưa con đi khám ngay.

CNLĐ chăm chú nghe bác sĩ trao đổi kiến thức về sức khỏe sinh sản

Trong buổi truyền thông, ngoài phần thuyết trình bác sĩ còn tư vấn, giải đáp các thắc mắc của nữ CNLĐ, như thắc mắc về hiện tượng chửa ngoài dạ con, đau bụng, ra máu... Theo bác sĩ Mai Hoa, phá thai nhiều lần sẽ có nguy cơ thủng, rách tử cung, chảy máu âm đạo, viêm dính gây tắc ống dẫn trứng, chửa ngoài dạ con. Cùng với đó chỉ có các biện pháp tránh thai hiện đại gồm bao cao su, thuốc uống (hoặc tiêm, cấy ), đặt vòng mới có hiệu quả tránh thai cao. Cũng theo bác sĩ cần khám phụ khoa định kỳ 4 lần/năm. Phụ nữa trên 40 tuổi hoặc dưới 40 tuổi nếu có viêm nhiễm đường sinh sản nên đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung 18 tháng/lần. Khi cơ thể xuất hiện một trong các dấu hiệu như: tiết dịch ở âm đạo nhiều; đau khi giao hợp hoặc khi thăm khám; cảm giác căng đau ở dụng dưới; có u nhú, nốt sần tại âm hộ, dương vật, hậu môn; có các vết loét, mụn nước, đau rát dễ chảy máu, chảy nước… cần đi khám và điều trị sớm.

“ Sức khỏe sinh sản- tình dục là một phần quan trọng của sức khỏe người phụ nữ và cả nam giới trong độ tuổi sinh sản. Chính vì vậy các kiến thức về sức khỏe sinh sản- tình dục rất quan trọng cần được cung cấp cho nữ CNLĐ. Khi một người trong độ tuổi sinh sản được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh và có được tình trạng sức khỏe sinh sản- tình dục tốt thì đó sẽ là một tiền đề quan trọng để họ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh...” bác sĩ Hồ Mai Hoa cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN-CX Hà Nội Trần Thu Phương, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục tuy không phải là vấn đề mới nhưng hết sức quan trọng đối với nữ CNLĐ. Các kiến thức này phải luôn được nữ CNLĐ ghi nhớ, trong khi tuổi nghề của nữ CNLĐ trong nhà máy thường không quá dài. Thế hệ NLĐ này được cung cấp kiến thức có thể đã rời nhà máy thay vào đó là những bạn công nhân mới, chính vì vậy công đoàn KCN-CX Hà Nội xác định sẽ thường xuyên phổ biến về sức khỏe sinh sản, tình dục cho nữ CNLĐ. Nội dung truyền thông này cũng được Công đoàn KCN-CX Hà Nội thực hiện tại 3 doanh nghiệp Nhật Bản khác thuộc Khu Công nghiệp Thăng Long trong thời gian tới.

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/truyen-thong-ve-cai-thien-suc-khoe-sinh-san-tinh-duc-cho-nu-cnld-61108.html