Truyền thông về Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên báo điện tử

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động đến hầu hết cáclĩnh vực kinh tế, văn hóa, và xã hội.

Công tác thông tin tuyên truyền về Cách mạng Công nghiệp 4.0 đóng vai trò rất quan trọng. Ảnh: TL

Để mọi tầng lớp xã hội tiếp cận, hiểu về bản chất CMCN 4.0, các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và báo điện tử nói riêng cần đóng vai trò là kênh thông tin hữu hiệu cung cấp kiến thức về CMCN 4.0 giúp doanh nghiệp, người dân hiểu và định hướng cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

CMCN 4.0 và một số vấn đề đặt ra

Năm 2013, một từ khóa mới là “Cách mạng công nghiệp 4.0” xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức đề cập cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Thực tế cho thấy, CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nói cách khác, CMCN 4.0 bao gồm: dữ liệu lớn (big data) + (kết hợp) điện toán đám mây (cloud computing) và Internet kết nối vạn vật (IoT). Sự kết hợp của dữ liệu lớn - điện toán đám mây - Internet kết nối vạn vật tạo ra một môi trường hoàn toàn mở cho các công nghệ mới như: công nghệ in 3D, máy móc tự động hóa và tích hợp con người (máy móc là những động lực chính thúc đẩy tăng năng suất công nghiệp) vào sản xuất các sản phẩm hàng hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn ICT 2017 về việc Việt Nam dấn thân vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ảnh:PV

Trước tác động ngày một sâu rộng của CMCN 4.0, Đảng và Nhà nước ta đã có những dự báo, nhận định về xu hướng của CMCN 4.0 và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển đất nước như: Văn kiện Đại hội XII; Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII của Đảng; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017,...

Do vậy, để mọi tầng lớp xã hội có cơ hội tiếp cận, hiểu về bản chất CMCN 4.0, công tác thông tin tuyên truyền về CMCN 4.0 đóng vai trò rất quan trọng. Với lợi thế về công nghệ, báo điện tử chính là “cầu nối” ngắn nhất giữa công chúng và CMCN 4.0.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và báo điện tử nói riêng hiện nay phần lớn chỉ nêu được “phần vỏ” của CMCN 4.0 mà chưa chỉ ra bản chất, tác động cụ thể như thế nào đối với xã hội của CMCN 4.0. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông đại chúng đã có những thay đổi như thế nào trước CMCN 4.0?

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông chưa tập trung, chú trọng nhiều đến những lợi thế, yếu điểm của Việt Nam trước những thách thức của CMCN 4.0; thông tin về CMCN 4.0 chưa nhiều, đa dạng, nhiều thuật ngữ khoa học khô khan, khó hiểu, khó tiếp nhận, các tờ báo, cơ quan thông tấn, báo chí thường ít mặn mà với việc đưa các tin tức liên quan thay vì các thông tin xã hội khác.

Tính tương tác cao là một trong những đặc tính nổi bật của báo điện tử so với 3 loại hình còn lại. Do vậy, báo điện tử được coi là lực lượng “xung kích” trên mặt trận truyền thông về CMCN 4.0.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra là: Thực trạng truyền thông về CMCN 4.0 trên báo điện tử hiện nay như thế nào? Vấn đề tiếp nhận thông tin về CMCN 4.0 của cộng đồng xã hội ra sao? Sự “chuyển mình” và thích ứng của các tòa soạn báo điện tử trong bối cảnh CMCN 4.0 tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như thế nào? Việc tiếp cận, truyền thông về CMCN 4.0 liệu đang đi đúng hướng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm truyền thông những lợi ích do CMCN 4.0 mang lại? Những hoạt động truyền thông trên các báo điện tử liệu đã phù hợp?,... Đó là những vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt với loại hình báo chí gắn liền với nền tảng công nghệ như báo điện tử hiện nay.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Ảnh: TL

Thực trạng truyền thông về CMCN 4.0 trên báo điện tử

Để đánh giá hoạt động truyền thông về CMCN 4.0 trên báo điện tử, tác giả tiến hành khảo sát nội dung thông tin liên quan đến CMCN 4.0 trên 03 báo điện tử gồm: VnExpress, VietnamPlus, Khoa học phát triển với các từ khóa tìm kiếm: “Cach mang cong nghiep lan thu 4”; “Cach mang cong nghiep”; “Cach mang 4.0”; “Cach mang cong nghiep 4.0”; “Industry 4.0”.

Bảng tổng hợp số lượng tin, bài trên báo điện tử năm 2017. Đơn vị: Tin, bài

Dựa vào bảng trên, có thể thấy, nếu so với tổng thể khối lượng tin, bài ở các lĩnh vực khác như: văn hóa, giáo dục, KH&CN, thể thao,... được đăng tải trên 3 tờ báo điện tử trong cùng thời điểm năm 2017, thì số lượng tin, bài liên quan đến cách mạng CMCN 4.0 vô cùng nhỏ bé.

Song, nếu xét về tính mới, tính thời sự của chủ đề, thì CMCN 4.0 được báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc đến nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây. Số lượng hàng chục tin, bài đăng tải được thống kê trên các báo điện tử được khảo sát trong năm 2017 cũng là con số đáng ghi nhận cho thấy, các báo điện tử đã và đang có sự quan tâm đến thông tin về chủ đề CMCN 4.0.

Một điểm chung của các báo điện tử là tần suất đưa thông tin về CMCN 4.0 khá đồng đều giữa các khoảng thời gian. Chủ đề CMCN 4.0 được đăng tải trải đều ở các tháng, thậm chí có thời điểm đăng tải liên tục.

Cách độc giả tiếp cận thông tin CMCN 4.0 trên báo điện tử, nguồn tác giả khảo sát

Cách thông dụng khi tiếp nhận thông tin trên báo điện tử nói chung của độc giả là đọc, xem văn bản. Bởi các tin, bài này đều được thể hiện thông dụng bằng chữ viết (text) kèm hình ảnh. Một số tin, bài kèm video và được thể hiện dưới dạng đồ họa (infographic). Tuy vậy, số người chọn hình thức đọc tin, bài kết hợp các hình thức có video, đồ họa, text chiếm số lượng nhiều nhất cho thấy xu hướng tiếp nhận thông tin đa phương tiện của độc giả ngày càng tăng.

Ngoài ra, các báo điện tử chủ yếu sử dụng hình thức thông tin về CMCN 4.0 là tin, bài kèm ảnh (ảnh thực tế hoặc ảnh minh họa), chiếm 81,3%, sử dụng infographic 9%, video là 9,6%.

Về thông tin theo nhóm chủ đề trên báo điện tử, qua khảo sát có thể thấy, các báo điện tử dần có sự điều chỉnh theo hướng giảm bớt các thông tin liên quan đến việc giới thiệu (19,8%) và nói đến thách thức từ CMCN 4.0 (20,5%) mà tăng dung lượng để nói về cơ hội (27,5%) và những giải pháp, ứng phó (32,2%) trong bối cảnh CMCN 4.0 đã dần hiện hữu rõ nét. CMCN 4.0 dù rất mới, nhưng thực chất đã được báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc nhiều trong khoảng 3 năm gần đây.

Xu hướng thông tin tiếp theo đề cập những vấn đề “thời sự” hơn của CMCN 4.0, cụ thể là: sự tác động của CMCN 4.0 đến ngành nghề, việc làm; thích ứng của cộng đồng đối với CMCN 4.0; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hoạch định chính sách đã có sự chuyển biến như thế nào trước CMCN 4.0; lợi thế, yếu điểm, giải pháp của Việt Nam trước CMCN 4.0?,...

Công tác thông tin tuyên truyền về Cách mạng Công nghiệp 4.0 đóng vai trò rất quan trọng. Ảnh: TL

Giải pháp để phát triển

Báo điện tử hiện đang là một loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan báo chí truyền thông. Để nâng cao tính hiệu quả về truyền thông CMCN 4.0, các đơn vị báo điện tử cần chú trọng vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, bám sát chủ trương của Đảng trong công tác tuyên truyền về CMCN 4.0 để có định hướng thông tin phù hợp, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong kế hoạch hoạt động của tòa soạn; Tăng cường đưa các tin, bài chuyên sâu, có tính phân tích, bình luận, đánh giá về CMCN 4.0 và đưa ra các giải pháp phát triển.

Thứ hai, lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử cần chỉ đạo và quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động truyền thông về CMCN 4.0. Các tòa soạn cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên phụ trách mảng thông tin KH&CN trong đó có thông tin về CMCN 4.0. Đặc biệt cần đổi mới cách thức đánh giá hiệu quả truyền thông về vấn đề này, bởi đây là những thông tin có tính đặc thù, “kén” độc giả.

Thứ ba, để thông tin đến với cộng đồng dễ dàng hơn, phóng viên, biên tập viên cần chủ động trau dồi kiến thức về KH&CN, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tìm từ khóa liên quan đến CMCN 4.0; chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các đối tượng độc giả quan tâm đến chủ đề có nguồn khai thác thông tin đa dạng hơn.

Thứ tư, ngoài nội dung chú trọng đưa tin chuyên sâu về CMCN 4.0, trong đó đăng tải các bài viết phân tích, bình luận, phản biện về CMCN 4.0, các ngành nghề, lĩnh vực xã hội có liên quan đến CMCN 4.0; hình thành các diễn đàn CMCN 4.0 cho các đối tượng quan tâm bàn về CMCN 4.0 nhằm thu hút đa dạng các đối tượng cùng quan tâm, hưởng ứng.

Thứ năm, hình thức thiết kế giao diện chuyên trang/chuyên mục CMCN 4.0 cần lôi cuốn, bắt mắt, chú trọng điểm nhấn thông tin CMCN 4.0 chuyên sâu trên trang như: Dòng sự kiện, tiêu điểm,... đẩy mạnh ứng dụng các dạng thức đa phương tiện trong trình bày các thông tin về CMCN 4.0 để thu hút độc giả. Ví dụ, nếu là bài viết giới thiệu về CMCN 4.0 dành cho đối tượng là người nông dân, công nhân, phải sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi, thân quen với người nông dân, công nhân, mục đích là để họ thấy được CMCN 4.0 cụ thể là gì? Nó tác động đến công việc, lĩnh vực của họ như thế nào.

Báo điện tử được coi là lực lượng “xung kích” trên mặt trận truyền thông về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ảnh: TL

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN, hạ tầng công nghệ thông tin và Internet ngày càng được đầu tư, phát triển, báo điện tử ngày càng có nhiều lợi thế để bứt phá thành loại hình báo chí thông tin chủ lực của các đơn vị truyền thông.

Hiện nay, nhiều dự án truyền thông liên quan đến các ngành nghề, lĩnh vực đều có xu hướng lựa chọn báo điện tử và mạng xã hội để tiến hành truyền thông, bởi đây là hình thức thông tin tiện lợi, chi phí hợp lý và có thể tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả nhất. Trong xu thế đó, triển khai truyền thông về CMCN 4.0 trên báo điện tử là phương pháp tối ưu nhất để tiếp cận nhiều và thật gần gũi hơn đối với công chúng.

Có thể nói, quá trình truyền thông về CMCN 4.0 trên báo điện tử phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng một kịch bản, format truyền thông thành công. Thực tế, hiện nay nhiều báo điện tử chưa chuẩn bị cho việc này, đơn cử như nhiều báo chưa có chuyên trang, chuyên mục riêng để thông tin tập trung về CMCN 4.0.

Việc thông tin về CMCN 4.0 được các báo điện tử triển khai dù tần suất, mức độ có thường xuyên nhưng còn lẻ tẻ, chưa tập trung và chưa có định hướng thông tin rõ ràng. Để làm tốt điều này, phải bắt đầu từ tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan báo chí, kế đến là đội ngũ phóng viên, biên tập viên được giao trực tiếp phụ trách thông tin về CMCN 4.0 phải là những người thực sự có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực này và tâm huyết với công việc./.

Ngũ Văn Hiệp

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/truyen-thong-ve-cach-mang-cong-nghiep-40-tren-bao-dien-tu-n10483.html