Truyền thông về an toàn thực phẩm trên truyền hình

Những năm gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện nhiều trên báo chí khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại.

Truyền thông về an toàn thực phẩm trên truyền hình. Ảnh: TL

Tuy nhiên, vì những mục đích khác nhau các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, chất kích thích tăng trưởng không hợp lý gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận qua nhiều hình thức. Việc nghiên cứu truyền thông về an toàn thực phẩm trên truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời, giúp họ điều chỉnh hành vi an toàn thực phẩm để trở thành những người tiêu dùng thông thái.

Chương trình "Nói không với thực phẩm bẩn" của VTV1. Video: VTV

Chương trình an toàn thực phẩm trên truyền hình

"Nói không với thực phẩm bẩn" là một trong các chương trình được phát sóng trên VTV1 vào 7h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.Với thời lượng 4 phút/số, "Nói không với thực phẩm bẩn" phản ánh những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm theo tìm hiểu, điều tra riêng của các phóng viên Trung tâm Tin tức VTV24; là các thông tin được khán giả cung cấp qua đường dây nóng hoặc trên trang Fanpage (đã được ê - kíp chọn lọc và xác thực) về các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất làm sai quy định.

Chương trình

Chúng ta đang ăn gì?

được phát sóng 10h25 Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTC16. Chương trình cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn. Đồng thời còn là “đường dây nóng” phản ánh những vấn đề bức thiết của xã hội về vệ sinh an toàn thực phẩm; lên án tình trạng thực phẩm bẩn và các thủ đoạn gian lận đối với người tiêu dùng.

Khi phản ánh thông tin an toàn thực phẩm tiêu cực trên VTV1, Chương trình "Nói không với thực phẩm bẩn" phát sóng lúc (7h25- 10/01/2017) bàn về việc quản lí các cơ sở sản xuất bóng bì tại Văn Lâm, Hưng Yên, đại diện trạm thú y huyện Văn Lâm cho biết, hiện xã Tân Quang có hơn 80 hộ sơ chế bì lợn trong đó có hơn 60 hộ sơ chế bì lợn thành bì khô với mục đích sản xuất công nghiệp còn 15 hộ còn lại sản xuất bóng bì với mục đích làm thực phẩm hầu hết chưa đủ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc kiểm tra của ngành thú y chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền nên việc có dùng hóa chất tẩy trắng bì lợn hay không nằm ngoài tầm kiểm soát. Với chương trình "Chúng ta đang ăn gì?" trên VTC16, các số phát sóng nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm một cách hợp lý có lợi cho sức khỏe.

Như vậy, cùng một lĩnh vực về an toàn thực phẩm nhưng hai chương trình ở 2 kênh khác nhau có các phương thức truyền tải nội dung thông điệp khác nhau. Tùy thuộc theo kết cấu, tần suất phát sóng của mỗi chương trình, ở mỗi thời điểm khác nhau trong năm - khi nhu cầu về lựa chọn thực phẩm của người dân có sự thay đổi.

Khi truyền thông về an toàn thực phẩm cần phải đảm bảo tính chính xác, tính thời sự của thông tin. Ảnh: TL

Qua nghiên cứu, 81.5% số công chúng được khảo sát đánh giá nhìn chung ngôn ngữ của chương trình dễ hiểu, giúp họ nắm bắt thông tin. Ngôn ngữ hình ảnh: Hình ảnh của tác phẩm báo chí truyền hình luôn đặt tiêu chí sự thật lên hàng đầu.

Mỗi cảnh quay, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện... đều có địa chỉ rõ ràng, nếu phóng viên dàn dựng cảnh quay sai sự thật bóp méo bản chất là vi phạm vào đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt sự khác nhau giữa tác phẩm báo chí truyền hình và tác phẩm điện ảnh.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong các chương trình có nội dung về an toàn thực phẩm trên truyền hình người tiêu dùng quan tâm và đánh giá cao chương trình "Nói không với thực phẩm bẩn" của VTV1. Chương trình gồm những bài điều tra và phản ánh các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chương trình cũng tiếp nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng và fanpage về các vấn đề liên quan thực phẩm để cùng cơ quan chức năng tiến hành xác thực và công bố trên Đài.

Với kết cấu như vậy, chương trình đã phản ánh được thị trường sản phẩm hiện nay. Thực phẩm có những loại mà người tiêu dùng thường xuyên sử dụng nhưng không đảm bảo vệ sinh. Có những loại thực phẩm sạch lại khó có thể đến với người tiêu dùng.

Chương trình "Chúng ta đang ăn gì?" trên kênh VTC16 cung cấp tin tức và phóng sự những vấn đề liên quan đến thực phẩm, cách lựa chọn được thực phẩm sạch, hướng dẫn khán giả bảo quản cũng như chế biến thực phẩm an toàn.

Truyền thông về an toàn thực phẩm trên truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Ảnh: TL

Một số giải pháp

Truyền thông cần hướng tới mục tiêu: Kết nối được thực phẩm sạch, các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, đồng thời công khai được cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, các địa chỉ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết, tạo dựng dư luận xã hội tẩy chay những sản phẩm của những cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản không đảm bảo an toàn thực phẩm; tôn vinh những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn thực phẩm.

Khi truyền thông về an toàn thực phẩm cần phải đảm bảo tính chính xác, tính thời sự của thông tin. Thông tin chính xác kịp thời sẽ định hướng được dư luận xã hội đúng đắn, từ đó giúp cho công chúng, người tiêu dùng có sự lựa chọn chính xác, an toàn thực phẩm cho gia đình. Trong quá trình truyền thông phải đảm bảo được độ bao phủ của thông tin, giúp cho người dân nắm bắt được thông tin kịp thời. Thông tin về an toàn thực phẩm càng lan rộng thì càng thu hút được sự tham gia của dư luận xã hội, mức độ nguy hiểm và thiệt hại cũng sẽ giảm.

Phóng viên tham gia làm chương trình về an toàn thực phẩm trên truyền hình cần có kỹ năng viết tin, bài khi tác nghiệp cơ sở. Ảnh: UJET Media

Đội ngũ nhà báo, phóng viên - những người trực tiếp tham gia làm chương trình về an toàn thực phẩm trên truyền hình cần có kỹ năng viết tin, bài khi tác nghiệp cơ sở để thực hiện phóng sự điều tra, phản ánh; có tư duy đa phương tiện, tham gia các lớp tập huấn chuyên môn giúp nâng cao trình độ.

Đài truyền hình cần có sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin về thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Các Đài truyền hình cần tăng cường các chương trình, chuyên mục về an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.

Có thể nói, truyền hình đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Những thông tin trên truyền hình có sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn đến nhận thức chung của cộng đồng. Không chỉ nâng cao nhận thức của công chúng mà còn làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất nói riêng và công chúng nói chung về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc phân tích đúng thực trạng báo chí truyền hình trong việc đưa thông tin về an toàn thực phẩm để đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần cải thiện tình trạng thực phẩm “bẩn”, phát triển ngành thực phẩm và cải thiện văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Đó không chỉ về mặt nhận thức, lý luận mà còn về mặt thực tiễn trong điều kiện nước ta hội nhập sâu rộng và quảng bá ẩm thực với bạn bè quốc tế./.

Thùy Dương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/truyen-thong-ve-an-toan-thuc-pham-tren-truyen-hinh-n11621.html