Truyền thông trong thời đại số và cơ hội cho doanh nghiệp

Diễn đàn doanh nghiệp và báo chí: 'Truyền thông trong thời đại số và cơ hội cho doanh nghiệp' diễn ra lúc 13h30 ngày 29/6/2018 tại Trung tâm hội nghị GEM Center, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP HCM.

Sự phát triển công nghệ đem lại cơ hội mở rộng khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân và tổ chức, đồng thời chính điều đó cũng thách thức những người làm công tác truyền thông.

Phải làm sao để không bị tụt hậu trong sự phát triển như vũ bão của ngành này không chỉ là câu chuyện của các tòa soạn mà còn là của chính doanh nghiệp.

Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung Ương, và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp và báo chí: “Truyền thông trong thời đại số và cơ hội cho doanh nghiệp”.

Diễn đàn doanh nghiệp và báo chí: “Truyền thông trong thời đại số và cơ hội cho doanh nghiệp” diễn ra chiều 29/6 tại TP HCM.

Mối quan hệ cộng sinh

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, với 25 tỷ thiết bị kết nối internet, 3,3 tỷ cư dân dùng mạng xã hội trên toàn thế giới, truyền thông số là lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của hầu hết doanh nghiệp với nhu cầu nhân lực vô cùng lớn. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 7.000 công ty quảng cáo, nhân lực đáp ứng nhu cầu cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động. Theo những con số thống kê trên, truyền thông số đang thực sự mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Tuy vậy, ở góc nhìn doanh nghiệp, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: hiện nay, doanh nghiệp đã tiên phong trong phát triển kinh tế, từng bước vươn ra thế giới. Tóm lại, hình ảnh doanh nghiệp đã có sự thay đổi. Bây giờ, vấn đề quan trọng cần bàn là báo chí phải chủ động tính tích cực của mình, vấn đề khách quan không cần phải bàn nữa. “Hiện nay, báo chí phải chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng chia sẻ, thông cảm. Những tờ báo ủng hộ doanh nghiệp giờ cũng tương đối lớn, tôi cảm nhận rất rõ điều này. Đây là những thay đổi cơ bản và rất nhanh trong thời gian gần đây”, ông Huỳnh khẳng định. Đồng quan điểm ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Phát triển sản phẩm khu vực châu Á công ty OPENWAY lại chia sẻ: Truyền thông số, mảnh ghép quan trọng xây dựng kinh tế số. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ trong những thập kỷ tới sẽ có mặt trong mọi mặt của đời sống.

Tại Việt Nam nhiều công nghệ mới như thực tế ảo, bigdata, IoT… đã không còn xa lạ khi mà nhiều doanh nghiệp tập trung nghiên cứu và tích hợp vào sản phẩm của họ. Hơn nữa, Việt Nam hiện có khoảng 6 Trung tâm Dữ liệu quốc gia, chưa kể các nhà mạng viễn thông cũng sở hữu các Trung tâm dữ liệu riêng.

Thách thức và cơ hội

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Thành, PTGĐ Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải cho rằng: bên cạnh những cơ hội thì ở thời buổi công nghệ 4.0, truyền thông số cũng mang lại những thách thức không nhỏ đối với các DN. Điều đó, đang đặt ra cách hành xử thế nào cho phù hợp để hạn chế nhất những tổn thất, rủi ro đặc biệt là vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông.

Sức mạnh của truyền thông số sẽ tạo sự dịch chuyển và đầu tư mới cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong 10 năm tới, sức mạnh của truyền thông số sẽ tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, tức là tạo ra sự dịch chuyển và đầu tư mới để nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu. Chính vì vậy, ở góc độ chuyên gia truyền thông, theo ông Khuất Quang Hưng, để có thể tận dụng được tối đa lợi thế từ truyền thông số cũng như bảo vệ được uy tín của mình, doanh nghiệp cần chủ động trong hoạt động quản lý danh tiếng và xử lý khủng hoảng. Bắt đầu bằng việc xác định những rủi ro doanh nghiệp có thể gặp, xây dựng những cơ chế phòng ngừa và đối phó với những sự cố, cho đến việc xây dựng các quy chế sử dụng mạng xã hội dành cho nội bộ doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sử dụng công cụ lắng nghe truyền thông số để có thể ngay lập tức phát hiện những thông tin tiêu cực để có những giải pháp xử lý kịp thời trước khi vấn đề phát triển theo chiều hướng xấu hơn.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng lĩnh vực truyền thông số ở Việt Nam đang chậm chân so với thế giới. Chúng ta vẫn nói là thông tin như nước, chúng ta cần thúc đẩy tốt truyền thông số để từ đấy thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam, tức là tạo ra sự dịch chuyển và đầu tư mới để nền kinh tế Việt Nam trong tương lai có sức cạnh tranh toàn cầu.

Giáo sư Martin Emmer - Học viện Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Tự do (Đức) khẳng định: Internet không chỉ là tác nhân tạo ra các phương tiện truyền thông mới, nó còn là cả một thế giới khác tồn tại bên cạnh thế giới thực, thông qua thế giới này, công chúng báo chí có thể tiến hành mọi hoạt động như bên ngoài đời sống thực.

Có thể thấy, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, báo chí và doanh nghiệp là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Đặc biệt, trong môi trường truyền thông hội tụ, báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất.

Nguyễn Thành

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/truyen-thong-trong-thoi-dai-so-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-131715.html