Truyền thông - tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Với những doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng, bên cạnh việc hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, cơ chế chính sách thì hỗ trợ truyền thông để quảng bá thương hiệu, sản phẩm cũng là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp có thể trụ vững trên thị trường.

Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) tổ chức tập huấn truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho phóng viên các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, Phú Yên tại Hà Nội, tháng 8/2019.

Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) tổ chức tập huấn truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho phóng viên các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, Phú Yên tại Hà Nội, tháng 8/2019.

Nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, năm 2016 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Quá trình triển khai đề án bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bứt phá. Giai đoạn 2017-2018, bằng nguồn ngân sách nhà nước, Đề án đã hỗ trợ cho 29 dự án khởi nghiệp sáng tạo; năm 2019 có 34 chương trình tiếp theo được triển khai.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truyền thông có vai trò quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá sản phẩm và thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính của Đề án 844 hiện nay là tập trung truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam.

Những năm qua, đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Trung ương đến địa phương, truyền thông đã thực hiện tích cực việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiệu quả nhất chính là đã đưa được khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến gần hơn với cộng đồng, đồng thời kết nối những cá nhân có ý tưởng/dự án khởi nghiệp với những thành tố khác trong hệ sinh thái, như: Cố vấn, nhà đầu tư, khách hàng...

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh sản xuất tin, bài về hoạt động của các CLB khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại Quảng Ninh, thời gian qua, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tỉnh chú trọng với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ; trong đó, truyền thông cũng được xem là nhiệm vụ cốt yếu. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan thông tin tuyên truyền nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND ngày 17/12/2018 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với những cơ chế rõ ràng như: Hỗ trợ về đổi mới công nghệ, hỗ trợ truyền thông quảng bá hình ảnh, sản phẩm... trên các báo, đài truyền hình, trang tin, cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh... Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, dựa trên khai thác tài sản là trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; tập trung vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Anh Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh, cho biết: Khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp “chết yểu”, không thể trụ vững ngay từ giai đoạn đầu khởi nghiệp mặc dù ý tưởng rất tốt. Bên cạnh những khó khăn về thiếu vốn, kinh nghiệm quản trị nhân lực còn non thì việc khẳng định thương hiệu, sản phẩm trên thị trường cũng còn nhiều hạn chế. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ từ chính quyền liên quan đến cơ chế chính sách, tiếp ứng về vốn, người dẫn đầu, thì vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng. Ở giai đoạn này, truyền thông sẽ là cầu nối hữu hiệu để sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được thị trường, người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Cùng với đó, có thể thu hút thêm được các đối tác, nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác để phát triển bền vững.

Có thể nói, bên cạnh nội lực của doanh nghiệp khởi nghiệp thì sự hỗ trợ đến từ các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước và truyền thông sẽ là những “bước đệm” cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Trên cơ sở đó, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, nhân rộng các điển hình khởi nghiệp thành công để thúc đẩy hoạt động này ở địa phương.

Ngọc Trung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/truyen-thong-tiep-suc-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-2456361/