Truyền thông phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại

Dự án 'Truyền thông phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại' sẽ tập trung triển khai tại 4 tỉnh, thành phố trọng điểm về mua bán người gồm Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An. Mục đích là hướng đến thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là nhóm phụ nữ, thanh niên trước những rủi ro và hậu quả của việc di cư không an toàn dẫn đến mua bán người.

Hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động cho Dự án “Truyền thông phòng, chống mua, bán người và nô lệ hiện đại”

Hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động cho Dự án “Truyền thông phòng, chống mua, bán người và nô lệ hiện đại”

Ngày 16/3, tại tỉnh Nghệ An, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc (IOM) tổ chức Hội thảo giới thiệu, xác định địa bàn mục tiêu và xây dựng kế hoạch hoạt động Dự án “Truyền thông phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”. Dự án này sẽ tập trung triển khai tại 4 tỉnh, thành phố trọng điểm về mua bán người bao gồm: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An.

Mua bán người là vấn đề nhức nhối, thách thức đối với an ninh các quốc gia, khu vực. Theo Liên Hợp quốc, hiện có khoảng gần 25 triệu nạn nhân của nạn mua bán người trên khắp thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam được coi là điểm nóng của nạn mua bán người và di cư bất hợp pháp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 - 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng…

Một nạn nhân mua bán người được giải cứu, bàn giao cho gia đình

Riêng tại Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.

Hiện nay, tội phạm mua bán người còn sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, đa dạng. Lợi dụng bối cảnh Covid-19 và hậu Covid-19 với tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, các đối tượng thông qua mạng xã hội, với chiêu bài dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình. Một số người dân Nghệ An và nhiều địa phương khác bị “sập bẫy” của tội phạm mua bán người, trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, ngược đãi, không trả lương. Hay nếu muốn về thì nạn nhân phải yêu cầu người nhà gửi số tiền rất lớn để chuộc.

Trước thực trạng trên, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với IOM thực hiện Dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” giai đoạn 2023-2025. Trọng tâm phối hợp triển khai Dự án nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ trung ương và địa phương, đặc biệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Quảng Bình thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, hướng đến thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là nhóm phụ nữ, thanh niên trước những rủi ro và hậu quả của việc di cư không an toàn dẫn đến mua bán người.

Kim Long

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/truyen-thong-phong-chong-mua-ban-nguoi-va-no-le-thoi-hien-dai-post469542.html